Lời nói đầu của tác giả: năm nay cả báo chí lẫn dư luận xã hội đã rộng rãi tưởng nhớ về những ngày tháng 2/1979 ở chiến trường biên giới phía Bắc, và một trong những câu hỏi hay được thảo luận nhất đó là “chúng ta có bị giặc tấn công bất ngờ không?” 38 năm sau nhìn lại, ý kiến chủ quan của tôi là: có! Mặc dù trước đó đã có rất nhiều xung đột và biểu hiện rằng Trung Quốc đang kiếm cớ gây hấn với Việt Nam, nhưng có lẽ các nhà lãnh đạo nước ta vẫn đánh giá tình hình rằng xung đột vũ trang diện rộng sẽ không xảy ra (có thể họ có những nguồn tin nhưng bị sai lệch). Và do đó chúng ta đã không chuẩn bị chiến tranh một cách chu đáo nhất, dẫn đến việc bị bất ngờ vào những ngày đầu chiến tranh cũng như tổn thương rất lớn cả về quân đội lẫn thường dân. Tuy vậy với bản tính anh hùng và lòng căm thù giặc truyền thống quân và dân ta đã nhanh chóng chặn đứng các mũi tấn công của địch, và giáng trả cho chiến thuật “biển người” của Trung Quốc những đòn đích đáng.
Xin tham khảo thêm qua vài trích đoạn của Hồi ký “Tưởng rằng đã quên” do ông Lê Tâm – một cán bộ trung cao cấp, đã đi qua cả cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và thống nhất đất nước - viết, để nhìn lại một góc quan hệ Việt-Trung qua nhiều năm tháng cũng như tinh thần quyết chiến đấu của cán bộ và nhân dân ta vào những ngày 2/1979 đó.
MỘT CUỘC HỌP ĐẶC BIỆT
Năm 1961, tôi được làm trưởng đoàn Việt Nam đi dự “Hội nghị tiêu chuẩn hoá của các nước xã hội chủ nghĩa” ở Bắc Kinh. Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn của Trung Quốc làm chủ tịch hội nghị. Một người phiên dịch Trung Quốc đi theo tôi để lo chu đáo nơi ăn chốn ở suốt cả tuần của hội nghị cũng như trong các cuộc đi tham quan cùng với các đòan tiêu chuẩn hoá của các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Một buổi sáng nọ đúng lúc 6 giờ sáng anh phiên dịch Trung Quốc gõ cửa phòng tôi ở khách sạn và nói: “Xin lỗi thủ trưởng, phải đánh thức thủ trưởng sớm thế này, vì Mao chủ tịch mời các trưởng đoàn các nước xã hội chủ nghĩa đúng 6h30 sáng đến họp với Mao chủ tịch về một sự việc quan trọng”. Cố nhiên tôi và các trưởng đoàn khác đoán có sự việc gì rất quan trọng đây, mà được gặp Mao chủ tịch trong trường hợp này chắc cũng không ai muốn từ chối. Rửa mặt và uống qua loa một cốc sữa, tôi cùng anh phiên dịch đi đến địa điểm họp thì ở đấy cũng đã thấy nhiều trưởng đoàn khác đang đến kể cả nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn. Đứng tại cửa để đón các đoàn đã thấy Mao chủ tịch và ông Chu Ân Lai, thủ tướng. Hai vị lần lượt bắt tay từng trưởng đoàn và mời ngồi trong một phòng nhỏ có khoảng 15 ghế và bàn uống nước. Riêng tôi, đã được bắt tay ông Chu Ân Lai mấy lần trong một số cuộc họp năm 1959, nhưng đây là lần đầu tiên được bắt tay ông Mao nên cũng hơi xúc động.
Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Bộ trưởng Quốc phòng Lâm Bưu năm 1961
Sau khi mời mọi người ngồi và uống nước ông Mao nói ngay: “Tôi xin lỗi mời các vị đến sớm thế này bởi vì chốc nữa vào khoảng 7h sáng, các vị sẽ nghe một tin trên đài phát thanh Bắc Kinh hết sức quan trọng là Trung Quốc đã tuyên chiến với Ấn Độ về vấn đề biên giới Trung – Ấn. Tôi không muốn các vị ngạc nhiên về sự việc trọng đại này nên mời các vị đến để được tôi giải thích vì sao có cuộc chiến này.” Và sau đó ông Mao nói rất dài, nói rất nhiều về những khó khăn trong việc xác định biên giới Trung Ấn và nhất là ông Mao nói về chủ nghĩa tư bản của Ấn Độ, nói rằng Ấn Độ đang hoàn toàn theo chủ nghĩa tư bản của đế quốc. Ông tả cảnh đối lập giữa người nghèo và người giàu ở New Delhi, ông nói: Đấy, chủ nghĩa xã hội của Nehru là như vậy đấy, trong lúc đó thì thủ tướng Chu Ân Lai ngồi trệt trên sàn phòng họp, giả vờ làm một người ăn xin để tả cảnh nghèo mà ông Mao đang nói. Ông Mao nói xong hỏi có ai có ý kiến gì hỏi thêm nhưng tất cả các trưởng đoàn đều im lặng, có vẻ ngậm ngùi về một sự cố lớn giữa hai nước lớn mà trong chừng mực nào họ đều có thiện cảm.
CHIẾN TRANH TRUNG – VIỆT
Một ngày năm 1979, lúc tôi đại diện Ủy ban Khoa học nhà nước đang họp với cán bộ của Bộ nông nghiệp về chuyện phá rừng và trồng rừng thì bỗng nhiên một đồng chí bảo vệ vào phòng học và báo to lên: đề nghị ngừng họp, vì cụ Võ Chí Công đến muốn nói chuyện với hội nghị. Ông Võ Chí Công lúc đó là Phó thủ tướng. Cụ đã suýt soát 80 nhưng còn rất khoẻ, giọng nói sang sảng. Cụ nói to: “thôi đừng họp nữa, các đồng chí ai về cơ quan nấy để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu gay go và quyết liệt nay mai. Hiện giờ như các anh đã biết, mấy vạn quân Trung Quốc đã tràn sang biên giới phía Bắc nước ta, ta đang đánh nhau với chúng nó ở tuyến 1, nhưng nếu tuyến 1 vỡ thì sẽ đánh nhau ở tuyến 2 rồi tuyến 3. Và nếu thế địch quá mạnh thì lại sẽ đánh nhau ở tuyến 4 nghĩa là trong các đường phố Hà Nội. Hiện giờ anh Lê Trọng Tấn đang chuẩn bị tuyến 3 đi ngang qua Bắc Ninh, còn tất cả chúng ta người Hà Nội, chuẩn bị tuyến 4, nghĩa là sẽ có những cuộc đánh nhau trên các đường phố. Chuẩn bị như thế nào thì chúng ta sẽ được lệnh chỉ dẫn của Bộ tổng tham mưu, nhưng mỗi cơ quan phải gọn gàng để biến thành một chiến luỹ như năm 1945 ta đánh nhau với Pháp”.
Nói xong cụ Võ Chí Công xin cáo về và nói: “tôi còn đi phổ biến nơi khác nữa, cuộc hội nghị của các đồng chí nên chấm dứt ngay ở đây”.
Sau cuộc họp này tôi về nhà rồi bị ốm phải đi nằm bệnh viện. Ở bệnh viện Việt – Xô, không khí rất náo nhiệt, các cô y tá, các bác sĩ đều đăm chiêu lo lắng và nói với chúng tôi: không biết rồi bệnh viện sẽ sơ tán về đâu và các bác có được yên ổn ở chỗ mới không, tôi nằm ở khu có các phòng toàn bệnh nhân già như tôi và hơn tôi, những cuộc thảo luận nảy sinh suốt ngày đêm, trong khi bệnh viện cho mở ti vi liên tục để theo dõi thời sự. Mà thời sự toàn nói về cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới thì không lấy gì làm sáng sủa, quân Trung Quốc đã phá hoại các thành phố như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, cả các xí nghiệp và doanh nghiệp khai thác quặng, mỏ của chúng ta, nhất là mỏ Apatit Lào Cai mà trước đó chuyên gia là người Trung Quốc thì đã bị chính các tay chuyên gia đó hướng dẫn lính Trung Quốc phá sạch. Người chết và bị thương cả đôi bên trong những trận đánh đầu tiên này rất nhiều, chúng tôi cũng không tin những con số được đưa ra lắm nhưng chắc cả đôi bên đều bị thiệt hại nặng nề. Nhưng với chủ trương “lấy thịt đè người” thì nếu ta chết 1 mà chúng nó chết 10 thì mức độ thiệt hại cũng gần như nhau thôi, nhưng vấn đề là chúng ta mất đất dần và không biết bao giờ chúng tiến đến các tuyến 2, 3 rồi 4. Lúc đó, có những tin đồn là Liên Xô đã tìm cách đưa qua Việt Nam những vũ khí bí mật, có sức công phá cao để chặn bước tiến của quân Trung Quốc. Ngay tôi ở trong ngành quân giới đối với những tin về vũ khí bí mật, tôi cũng bán tín bán nghi, nhưng vì ghét quân Trung Quốc quá nên tôi cũng mong có một sự thật nào trong việc Liên Xô có thể gửi kịp cho ta một số vũ khí có thể ngăn chặn được bước tiến của Trung Quốc, nhưng thực chất sau này mới biết là các tin đồn đấy đều xuất phát từ lòng mong muốn của các cán bộ già về những tiến bộ khoa học gì đấy mà Liên Xô có thể có và chỉ trong những trường hợp đặc biệt như cuộc chiến tranh vừa rồi, họ quá yêu Việt Nam mới tung ra, chứ đáng lẽ họ dành cho chiến tranh thế giới thứ 3!
Trong khi đó thì những nỗ lực và hy sinh của chiến sĩ đồng bào ta ở các tỉnh biên giới cũng đã gây nhiều thiệt hại về nhân lực cho quân đội Trung Quốc mặc dù rõ ràng là lúc đầu phía ta bị thiệt hại nhiều hơn vừa về người vừa về của. Cuộc tiến của quân Trung Quốc đã bị chặn đứng lại vì chắc là họ chưa thấy lợi lộc nhiều và dư luận quốc tế không ở về phía họ nên dần dần quân đội Trung Quốc đã rút lui khỏi biên giới nước ta để lại rất nhiều tang tóc và thiệt hại vật chất. Cuối cùng, họ không thực hiện được câu “dạy cho Việt Nam một bài học”, vì ta cũng có thể nói “Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học”… Hai bên đã dần dần trở lại không khí “thân thiện” trên miệng lưỡi, nhưng rõ ràng là Trung Quốc đã học bài học: không dễ gì đụng đến Việt Nam, nhưng về phía ta cũng có thể nói là nhận được bài học: chơi với láng giềng này phải hết sức cảnh giác, và ta phải luôn luôn tranh thủ dư luận quốc tế để cho họ hiểu rõ là chơi với Trung Quốc, các nước cần phải cảnh giác như thế nào, họ hay nói một đằng mà làm một nẻo và đôi khi che lấp mọi sự gian ngoa bằng lời nói rất khéo của họ. Như trong trường hợp vừa rồi, có người hỏi Đặng Tiểu Bình là sao trước đó Trung Quốc đã tuyên bố là: tình thân thiện giữa Việt Nam và Trung Quốc như môi với răng cơ mà, thì ông ta đã trả lời: thì ai cũng biết thỉnh thoảng răng còn cắn môi…
Đặng Tiểu Bình năm 1979Riêng tôi sau khi ra viện, tôi quá giận và quá buồn sau cuộc chiến tranh Trung – Việt. Tôi còn nhớ những chuyến đi Trung Quốc luôn luôn có người phiên dịch Trung Quốc đi theo đoàn mình và họ đã được chỉ thị săn sóc chu đáo về chuyện ăn ở cho đoàn và họ đã làm đúng như vậy. Tôi còn nhớ đến cô Lô Uý Thu, sinh viên người Trung Quốc học ở Đại học Bắc Kinh, đi theo đoàn chúng tôi một tháng, thật sự coi chúng tôi như những người đồng thời là thủ trưởng nhưng cũng đồng thời là anh em, và khi chia tay ở Quảng Châu để đoàn chúng tôi về nước và cô ta trở về Bắc Kinh, thì cô ta đã khóc oà lên, và cô ta bảo: tôi sẽ nhớ thương các anh như nhớ thương cha mẹ hay anh em chúng tôi vậy. Mười năm sau đó cô ta có về Hà Nội làm một công việc gì đó ở đại sứ quán Trung Quốc, cô đến thăm chúng tôi ở Đại học Bách Khoa, mừng rỡ như gặp được người thân lâu năm. Chúng tôi có hỏi cô ta và gia đình có bị thiệt hại gì qua Cách mạng văn hoá. Cô ta nói: cháu trốn được mặc dù trong gia đình cháu cũng bị một số thiệt hại, bây giờ cháu được làm việc ờ Việt Nam, và ở Trung Quốc không còn Cách mạng văn hoá nữa nên cháu coi Việt Nam và Trung Quốc là hai nước mà cháu yêu như nhau…
Đối với tôi, xem chiến tranh Trung – Việt vừa rồi cũng như Cách mạng văn hoá của Trung Quốc là những cái mụn nhọt của một dân tộc quá đông người, mà chưa ai, kể cả Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và cả những vị cầm quyền cao nhất gần đây không chữa trị được. Trong một cơ thể quá to, một lúc nào đó, ở một bộ phận nào đó, có thể nảy sinh ra những tế bào ung thư của một chế độ, một dân tộc chưa đủ kinh nghiệm và trình độ để khống chế hay điều trị kịp thời. Lúc anh Trần Văn Giàu hỏi tôi: Lê Tâm nghĩ gì về Cách mạng văn hoá? Tôi đã trả lời: nước Trung Quốc rộng lớn quá, dân Trung Quốc đông quá, nên nếu được thống nhất như bây giờ dưới thời kì Mao hoặc những thời kì sau nữa thì những sự kiện tốt hay xấu xẩy ra cũng dễ thành vĩ đại, kể cả những cái ngu dốt cũng trở thành vĩ đại và cũng có thể chữa được nhưng không thể chóng được giữa ta và Trung Quốc, tình thân thiện là bắt buộc nhưng thỉnh thoảng mụn nhọt sinh ra như vừa rồi, cả ta và Trung Quốc phải kiên quyết trị bằng đàm phán thân thiện thì mới sống bên cạnh nhau được. Và chỉ khi ta mạnh, thì họ mới sẽ coi trọng chúng ta!
Tác giả bài viết: Nam Nguyen - NguoiViet.de
Chú ý: Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn NguoiViet.de khi đăng lại bài viết trên để tránh vi phạm bản quyền.
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...