Từ những quả đấm thép "đấm vào mặt nhân dân" đến những "tù nhân dự bị"

Thứ năm - 11/01/2018 19:40
LTS: Những vụ án kinh tế cực lớn với những con số tham nhũng hoặc thất thoát lên tới hàng chục nghìn tỷ VND đã cho thấy mô hình các tập đoàn kinh tế nhà nước cùng với những chính sách liên quan đã lộ rõ rất nhiều bất cập cần được giải phẫu và chạy chữa ngay. Sau đây NguoiViet.de xin giới thiệu ý kiến của hai nhà báo nữ Thanh Hằng và Bạch Hoàn vừa đăng trên FB cá nhân của mỗi tác giả để bạn đọc tham khảo.
Từ những quả đấm thép "đấm vào mặt nhân dân" đến những "tù nhân dự bị"

Nhà báo Thanh Hằng (CAND) đã đăng trên FB cá nhân một Stt như sau:
 
 

ĐẤM VÀO MẶT NHÂN DÂN

Các đại án liên tục được phanh phui trong năm 2017, một mặt cho thấy những nỗ lực trong công cuộc chống tham nhũng, nhằm hót "đống rác cũ", bất chấp nhiều người cố tình chính trị hóa các vi phạm nghiêm trọng về kinh tế; mặt khác, nó cũng cho thấy nhân dân đã bị móc túi và đất nước bị rút ruột, tàn phá đến thế nào!

Điểm qua một vài vụ thất thoát/gây thiệt hại của các Tập đoàn/ngành kinh tế "mũi nhọn" trong vòng 10 năm qua:

+ Tập đoàn Vinashin: 86.000 tỉ đồng.
+ Vụ Giang Kim Đạt -Vinashinlines: 255 tỷ đồng.
+ Tập đoàn Than -Khoáng sản: gần 15.000 tỷ đồng.
+ Tập đoàn Cao su: hơn 8.300 tỷ đồng. 
+ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): 800 tỷ. 
Riêng PVC là công ty con của PVN thất thoát tới 3.425 tỷ đồng. 
+ Tập đoàn Điện lực (EVN): 6 tháng đầu năm 2016 báo lỗ gần 1.000 tỷ đồng. EVN là tập đoàn nhà nước có mức vay nợ lớn nhất và phần lớn là nợ được Chính phủ bảo lãnh, 9,7 tỷ USD, chiếm tới 37,3% tổng nợ vay được Chính phủ bảo lãnh.
+ Hiện, chỉ riêng ngành công thương đã có 12 dự án/doanh nghiệp kém hiệu quả với tổng mức đầu tư tới 63.000 tỷ đồng, lỗ lũy kế 16.000 tỷ đồng. 
(Di sản này cũng thuộc về ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2007 - 2016.)

+ Phạm Công Danh- nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, gây thiệt hại 18.000 tỷ đồng.
+ Hà Văn Thắm -nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank làm thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng
+ 5 đại án khác đã khởi tố là Sacombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV).
+ Bầu Kiên và các lãnh đạo Ngân hàng ACB gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. 
+ Vụ tham nhũng tại Agribank gần 2.500 tỷ đồng.
+ Vụ Huỳnh Thị Huyền Như ở VietinBank chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm nhất giờ đây là thu hồi số tài sản thất thoát ra sao? Vì vụ TXT làm thất thoát hơn 3.000 tỉ nhưng số tiền gia đình "khắc phục hậu quả" chỉ là 2 tỷ đồng - muối bỏ bể so với khối tài sản tới cả triệu USD của TXT.

Theo Vietnamfinance.vn: "Cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước, tổng số nợ công năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP. Như vậy, cả nước làm ra 100 đồng nhưng có tới 210 đồng là vay nợ và nợ công tính theo đầu người Việt Nam là khoảng 100 triệu đồng."

Mấy năm trước, mỗi vụ thất thoát mới dừng ở chục tỷ, rồi trăm tỷ nhưng càng về sau, mỗi vụ cứ nghìn tỷ, nghìn tỷ đều đều. Đó chính là nguyên nhân khiến nợ công ngập đầu người dân như hiện nay!

Các Tập đoàn/ngành kinh tế trên vốn được kỳ vọng là những QUẢ ĐẤM THÉP của nền kinh tế. 

Thực tế, chúng đúng là những quả đấm thép, chỉ có điều, những quả đấm này không đấm vào nền kinh tế mà là đấm vào mặt nhân dân!

Thanh Hằng


 


Trên FB cá nhân của mình, nữ nhà báo Bạch Hoàn có một Stt đáng chú ý cũng về đề tài tập đoàn kinh tế nhà nước và còn liên quan đến người tù đặc biệt Đinh La Thăng:

 


TÙ NHÂN DỰ BỊ


Nhiều người nói rằng, hôm bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Đinh La Thăng rất run vì quá bất ngờ. Thực ra không có bất ngờ nào cả. Khoảng hai tháng trước ngày khởi tố, ông Thăng đã thường xuyên phải lên làm việc với C46, Bộ Công an. Vài ngày trước hôm khởi tố, ông Thăng có mời bạn đến nhà, gặp gỡ trước ngày ông rời tổ ấm của mình để đến một nơi ở mới là nhà giam. Ông ấy biết trước số phận của mình.

Khi xảy ra sự việc Trịnh Xuân Thanh với cái xe biển xanh, tôi có hỏi ông Thăng mọi sự sẽ ra sao và cũng thẳng thắn rằng, cảm giác của tôi là cái đích đến sẽ là chính ông ấy - Đinh La Thăng. “Cứ để họ làm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đang vào kiểm tra rồi em à”, ông ấy nói.

Ông Thăng, có vẻ bình tĩnh đón nhận mọi mưa gió cuộc đời từ khi ấy, dù ông vẫn cho rằng những việc mình làm là cần thiết.

Nếu anh không xin chủ trương tăng cường nội lực, thì sẽ vẫn mãi phụ thuộc vào nhà thầu nước ngoài. Thực tế, từ nền móng chỉ định thầu để nhà thầu trong nước thực hiện, ngành dầu khí hiện nay có thể đảm đương được nhiều dự án lớn. Chẳng lẽ chúng ta cứ phụ thuộc vào nước ngoài mãi sao?”. Trong một lần trò chuyện, ông Thăng nói như vậy với tôi.

Nếu ai cũng đi theo lối mòn thì làm sao phát triển được? Nhưng trong cơ chế hiện nay, nếu phá cách, dám đương đầu, dám thay đổi, dám thử nghiệm, thì rất dễ nhiệm kì trước được khen là dám nghĩ dám làm, nhiệm kì sau sẽ bị xét lại. Người được khen hôm qua, hôm nay sẽ thành tội phạm.

Mô hình nhà nước làm kinh tế, với những tập đoàn lớn nắm giữ các hầu hết các nguồn lực quốc gia, thực sự là một sai lầm. Nhà nước làm kinh tế, người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải đóng hai vai, vừa thực hiện công việc của một doanh nhân, lại vừa phải làm nhiệm vụ của một cán bộ nhà nước.

Doanh nhân làm kinh tế thì đương nhiên là có được có mất, có thương vụ lời, có dự án lỗ. Lời, lỗ trong kinh doanh là bình thường. Nhưng khi là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, làm 10 dự án, 9 dự án lời được khen, 1 dự án lỗ sẽ rơi vào tình thế quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước vướng vào lao lý là một minh chứng cho thấy, khi kinh doanh bằng những đồng tiền của người khác thì việc để lãng phí, thất thoát, có lẽ là chuyện tất nhiên. Đặc biệt là khi cơ chế kiểm soát quyền lực không hữu hiệu, mô hình nhà nước làm kinh tế càng dễ thua lỗ, gây lãng phí nguồn lực, thất thoát tài sản quốc gia.

Không phải riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có dự án thua lỗ. Hãy thử nhìn sang các tập đoàn điện lực, than - khoáng sản, nhìn sang cao su, đóng tàu, lương thực... đâu đâu cũng thấy thua lỗ, nợ nần, dự án chậm trễ, đắp chiếu, lãng phí vô độ.

Ông Đinh La Thăng chỉ là một cá nhân bị đưa ra xử lý vì những việc ông làm trong thời kì làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Nếu bới ra, thì sẽ còn rất nhiều những Đinh La Thăng khác, ở những tập đoàn kinh tế nhà nước khác.

Không biết người ta đã nhìn ra câu chuyện về ông Đinh La Thăng như một bài học để lên tiếng cho sự thay đổi hay chưa? Có lẽ là chưa, vì Hiến pháp năm 2013 vẫn coi kinh tế nhà nước là chủ đạo và hiện giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu gì thay đổi. Kinh tế tư nhân vẫn chỉ giữ vai trò quan trọng, còn chủ lực vẫn xác định là nhà nước.

Thế nên, hãy xác định trước rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đều có thể là tù nhân dự bị khi cần.

Bạch Hoàn  


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Long Ẩn

    Không phải chỉ do cơ chế. Do lòng tham và phản bội của chính người nắm được quyền và lợi gây nên. Đừng đổ cho cơ chế tất cả. Nói thẳng ra, không có nhóm ma quỷ (Quan chức, Doanh nhân và ngân hàng) liên minh với nhau hút máu dân từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, thì VN giờ (vẫn cơ chế ấy) không tệ như thế này.

      Long Ẩn   22/03/2018 23:20

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây