Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): NƯỚC ĐỨC, ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG ĐIỀU MÂU THUẪN

Thứ sáu - 05/10/2018 06:16
Ngày này 28 năm trước, người dân Đức nước mắt ngập tràn niềm vui chào mừng sự thống nhất đất nước sau bốn thập kỷ chia cắt. Tác giả là một người gắn bó với đất nước này từ khi còn phân chia Đông - đến tận ngày nay, từng sống ở hai miền khi bức tường Berlin chưa sụp đổ.
Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): NƯỚC ĐỨC, ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG ĐIỀU MÂU THUẪN

Câu chuyện thứ năm : Thống nhất đất nước – ước vọng dân tộc, nhưng…

          Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều nước bị chia cắt, như Việt Nam, Triều Tiên, Jemen và Đức. Việt Nam và Jemen đã thống nhất từ lâu. Bán đảo Triều Tiên vẫn bị phân chia thành hai miền Nam – Bắc. Nước Đức thống nhất từ năm 1990 sau bốn thập kỷ tồn tại hai nhà nước độc lập là Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) ở phần đông, thuộc khu vực phân chia của Đồng minh cho Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Đức (BRD) ở phần tây, thuộc khu vực quản lý của Anh, Pháp và Mỹ. Việc chia cắt và thống nhất nước Đức là cả câu chuyện dài cần nhiều thời gian để tìm hiểu. Tôi đã sống ở hai chế độ khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Cả thời sinh viên tôi sống ở Đông Berlin, Thủ đô của DDR, ký túc xá nằm không xa bức tường Berlin là mấy. Giảng đường và thư viện nằm ngay cổng thành Đông-Tây nổi tiếng, Brandenburger Tor. Năm đổ bức tường vào dịp gần Giáng sinh năm 1989 và thời điểm thống nhất tháng 10 năm 1990 tôi đang học ở Tây Đức, mãi tận thành phố Heidelberg bang Baden-Württemberg miền Tây Nam xa xôi. Khi tôi sang  Heidelberg nước Đức có hai nhà nước, nhưng khi về đã thống nhất. Cho đến nay tôi đã gắn bó với đất nước này hơn bốn mươi năm, có thể tự tin là mình cũng hiểu biết nhất định về quê hương thứ hai của mình.

          Những dân tộc đã trải qua thời gian dài chia cắt hiểu hơn ai hết khát vọng thống nhất trong người dân, nhất là khi sự chia cắt đó đa phần do sự áp đặt từ bên ngoài. Việt Nam đã phải lựa chọn con đường thống nhất bằng vũ khí vào năm 1975 sau những mất mát to lớn của chiến tranh. Châu Âu trong chiến tranh lạnh cũng đã từng chứng kiến những thời khắc nguy hiểm có thể dẫn đến đối đầu quân sự giữa hai khối quân sự lớn nhất hành tinh NATO và Khối Vác-xa-va ngay tại Berlin. Cố Tổng bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức Erich Honecker đã nói trong Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập DDR (10/1989) là „hai nhà nước Đức sẽ thống nhất, nhưng chỉ thống nhất trên cơ sở của Chủ nghĩa xã hội“ điều mà ngay vào thời khắc đó ai cũng cho là „không tưởng“. Về pháp lý, DDR và BRD đã công nhận lẫn nhau là hai nhà nước độc lập, có chủ quyền, cùng trở thành thành viên Liên Hợp quốc vào năm 1977. Nhưng những bước ngoặt của lịch sử đã đưa hai nhà nước này thống nhất một cách ôn hòa, phi bạo lực. Dân tộc Đức đã về chung một nhà được gần 30 năm.

Nhưng…liệu cuộc đời có như là mơ ???

„Thủ tướng thống nhất“ Helmut Kohl vào thời điểm quan trọng đó đã từng nói „chỉ một vài năm nữa thôi chúng ta sẽ được chứng kiến „eine blühende Landschaft“ ở phần đông“. Dịch sát nghĩa là … „phong cảnh nở hoa“ (!?), còn thực tế ông Helmut Kohl mong là chỉ thời gian ngắn  sau thống nhất, phía Đông Đức sẽ phát triển ngang bằng phía Tây. Thực tế sau ba thập kỷ, quay trở lại những nơi mà tôi đã từng qua thời Đông Đức không nhận ra chốn cũ vì thay đổi quá nhiều. Leipzig là nơi tôi sống một năm đầu tiên khi sang DDR đã hoàn toàn biến đổi thành một thành phố khác so với năm 1977/78. Chương trình xây dựng phần Đông („Aufbau Ost“) đã biến các tỉnh thành của DDR xưa kia thành đại công trường, từ hệ thống xa lộ xây mới hay mở rộng, cải tạo, chuyển toàn bộ các nhà máy công nghệ lạc hậu gây hại môi trường ra khỏi các đô thị, nhiều công trình xây dựng mới mọc lên v.v. Vào năm kỷ niệm 25 năm thống nhất nước Đức (2015), truyền hình chiếu phim phóng sự trong đó có hình ảnh tương phản Đông-Đông trước và sau thống nhất và Đông-Tây hiện nay. Người dân vùng Rhur (bang Nordrhein-Westfalen), nơi khởi điểm của vùng công nghiệp phía Tây làm nên „sự thần kỳ kinh tế Đức“ (“Deutsche Wirtschaftswunder”) thời hậu chiến, đã phàn nàn về tình trạng xuống cấp trầm trọng của hạ tầng vùng này „do tập trung quá nhiều cho các bang mới“. Đúng sai chưa biết thế nào nhưng nó cũng phản ánh tâm trạng của nhiều người dân Đức hiện nay.

Một điều chắc chắn là nếu chỉ nhìn bên ngoài thì hẳn ai cũng nghĩ mọi việc quá tốt đẹp không còn điều gì phải phàn nàn. Nhưng có thật thế không?

Điểm qua một vài con số ta có thể hình dung về bức tranh nội tình nước Đức sau gần ba thập kỷ đổ tường và thống nhất:

Về chính trị, tại các bộ Liên bang, trong số 64 quốc vụ khanh (thứ trưởng) chỉ có 3 người Đông Đức; con số này đối với chức vụ Vụ trưởng là 4/109. Ngay ở các bộ thuộc chính phủ các bang phía Đông thì 75% cấp vụ trưởng do người từ Tây Đức sang đảm nhiệm; những vị trí chủ chốt khác tỷ lệ là 77%. 94% thẩm phán của tòa án Đức, kể cả Tòa tối cao là người Tây Đức. Trong số 89 hiệu trưởng các trường đại học ở Đức không có người Đông Đức nào.

Trong chính phủ nhiệm kỳ thứ tư của bà Merkel, vốn cũng một người xuất thân từ Đông Đức, chỉ có một bộ trưởng từ phía Đông.

Về kinh tế, đến nay trong số 30 công ty, tập đoàn lớn đăng ký tại thị trường chứng khoán Frankfurt (DAX) không có công ty nào của Đông Đức; chỉ 5/196 vị trí lãnh đạo của những công ty, tập đoàn này xuất thân từ phía Đông. Bình quân thu nhập quốc dân (BIP) của các bang phía Đông thấp hơn các bang phía Tây 30%, kèm theo đó là thu nhập bình quân đầu người chênh nhau khoảng 1000 euro/tháng và tỷ lệ thất nghiệp ở phía đông cao gấp đôi phía tây (8,5%). Nhìn tổng thể sản lượng kinh tế các bang phía đông chỉ đạt ở mức hơn 70% so với phía tây.

Sau kết quả bầu cử Liên bang tháng 9 năm 2017 với sự thất bại thảm hại của những đảng truyền thống và chiến thắng vang dội của lực lượng thiên hữu ở các bang phía đông, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier từng nói „ngày 24/9 càng thấy rõ sự hình thành của những bức tường mới, ít hiển hiện hơn, không có rào kẽm gai hay hệ thống bắn tự động, nhưng nó là những bức tường cản trở chúng ta trở nên một nhà“.

Còn ông Wolfgang Thierse, nguyên Chủ tịch Quốc hội Đức, vốn xuất thân từ Đông Đức và nhà đấu tranh dân chủ thời Cộng hòa dân chủ Đức thì nói „Thật là kinh khủng sau một phần tư thế kỷ thống nhất, nếu không muốn nói đó là sự thật đáng buồn… Lý do thực tế là gì? Năm 1990 sau „bước ngoặt“ (“Wende”) toàn bộ giới tinh hoa ở Đông Đức đã bị thay thế bằng người Tây Đức. Nhưng tại sao đã 27 năm rồi mà vẫn còn duy trì mạng lưới này?“.

Người dân bình thường trên đường phố thì lý giải vì sao họ lại ủng hộ những đảng bị cho là „cực đoan“, như trước đây là thắng lợi gần như tuyệt đối của Đảng Cánh tả và nay là AfD thiên đến cực hữu. Đó là vì họ cho rằng giới lãnh đạo xuất thân từ phía Tây sang đây không hiểu hết thực tế và ít quan tâm đến cuộc sống người dân nơi đây.

Cuộc đời của Giáo sư tiến sĩ Horst Klinkmann (84 tuổi) mà tôi hân hạnh được quen biết và thân thiết, được ông bà nhiều lần mời đến nhà riêng ở Rostock dùng cà phê và bánh ngọt do bà tự tay làm, lý giải phần nào băn khoăn của tôi về thực tế trên.

 

 

 

“Duyên kỳ ngộ” –  cuộc gặp không hẹn trước của những con người đặc biệt (Giáo sư Horst Klinkmann tiếp Thày Huyền Diệu từ Ấn Độ/Nepal tại nhà riêng tháng 7/2018)

Cụ giáo sư già là nhà khoa học nổi tiếng của Cộng hòa dân chủ Đức, là Chủ tịch lâu năm và cuối cùng của Viện hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức trước khi Viện này bị giải thế hai năm sau thống nhất. Trong Chính phủ cuối cùng của CHDC Đức (được cho là sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên và cuối cùng của DDR) cụ là Chủ tịch Hội đồng khoa học bên cạnh Chính phủ.  Giáo sư là cha đẻ của „thận nhân tạo“, tức phương pháp điều trị chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân thận nặng mà cả thế giới hiện vẫn đang ứng dụng. Cụ cũng đào tạo ra nhiều bác sĩ khi làm trưởng khoa rồi hiệu trưởng Đại học y Rostock, Greifswald, trong đó nhiều bác sĩ cho Việt Nam. Sau thống nhất cụ gần như bị vô hiệu hóa và có nguy cơ thất nghiệp do quá khứ đã từng là đảng viên Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức. Dù không nằm trong giới chính trị cần phải „thay máu“ nhưng một nhà khoa học như cụ cũng không được chính quyền mới “hoan nghênh”, tạo điều kiện nghiên cứu và hành nghề mà còn bị nghi ngờ. Và vì vậy cụ phải tìm đường ra nước ngoài, sang các nước Ả rập như Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và đặc biệt là sang Mỹ. Tại đó thành tích nghiên cứu và trình độ khoa học của cụ được đánh giá cao, lan tỏa sang nhiều nước khác. Tính đến nay cụ được 16 trường đại học y danh tiếng trên thế giới, từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Italia và mới nhất là Áo v.v. trao tặng bằng tiến sĩ danh dự, giáo sư danh dự, giáo sư thỉnh giảng, công dân danh dự hay mời cụ làm hiệu trưởng, trưởng khoa y của những trường này. Tại phòng làm việc ở nhà riêng, những tấm bằng danh dự này do Nữ hoàng Anh, Tổng thống Mỹ hay Thủ tướng Áo ký, treo kín một mảng tường. Với sự công nhận quốc tế như vậy, nước Đức của cụ mới trân quý và mời cụ về hợp tác lúc cụ đã qua tuổi „thất thập cổ lai hy“. Đáng nói là Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel thời Cộng hòa dân chủ Đức từng là nhân viên dưới quyền của cụ tại Viện hàn lâm khoa học DDR.

Cụ nói với tôi, chừng nào giới chính trị không cho người Đông Đức là công dân loại hai và thừa nhận khả năng của họ, lúc đó mới thống nhất thực sự. Đến nay họ vẫn mặc nhiên cho cái gì của Tây Đức hay người Tây Đức cũng tốt hơn bên Đông.

Từ năm 2017 xu hướng cực hữu thắng thế ở các bang phía đông, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là Sachsen, nơi mà suốt từ sau thống nhất đến nay đảng CDU luôn chiếm đa số và cầm quyền liên tục. Dịp bầu cử tháng 9 năm 2017, Đảng „Giải pháp cho nước Đức“ (AfD) vượt qua tất cả các đảng phái khác vươn lên vị trí thứ hai, sát nút CDU cầm quyền. Theo thăm dò dư luận mới nhất giữa năm 2018 có thể đảng này còn vươn lên nữa trong việc chiếm phiếu bầu của những cử tri Đông Đức vốn bất mãn với thời cuộc. Lực lượng cực hữu Pegida hình thành ở thủ phủ bang này là Dresden, thành phố thơ mộng bên bờ sông Elbe vốn được ví là „Elbflorenz“. Tháng 8 vừa qua Thủ tướng Merkel thăm lại nơi mà bà luôn bị la ó từ những đám đông phản đối và chứng kiến làn sóng phản đối sau một năm vẫn không hề giảm nhiệt. Và tại thành phố vốn mang tên Các-Mác thời CHDC Đức vào chủ nhật 26/8 khi kỷ niệm 870 năm thành lập thành phố đã chứng kiến sự phân rã sâu sắc trong xã hội hiện tại. Người dân bình thường ở Chemnitz đã tuần hành cùng những phần tử cực hữu, phát xít mới; hàng ngàn phát xít mới Nazi đã giương cao khẩu hiệu bài xích, xua đuổi người nước ngoài và giơ tay chào kiểu Hít-le trước mắt lực lượng cảnh sát dày đặc. Báo chí và dư luận cho rằng nền dân chủ ở Đức có thể bị đe dọa, còn dư luận bên ngoài, nhất là các nước láng giềng lại lo ngại về xu hướng ngả về hữu của xã hội Đức hiện nay. Trang SpielOnline 28/8 buông lời nhận xét thật cay đắng „phía đông có vẻ không muốn biết về nền dân chủ ôn hòa của Phương Tây; cái mà họ muốn chỉ là tiền“.

Cứ cái đà này không biết sang năm khi nước Đức kỷ niệm 30 năm ngày „đổ tường“ (1989) và 29 năm thống nhất (1990) hố sâu ngăn cách đông-tây có được lấp vơi chút nào không hay càng ngày càng sâu sắc hơn.

Nguyễn Hữu Tráng

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây