Ngày 14/2, Tân Hoa xã loan tin, Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập và chính thức hoạt động cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố, với sự ra đời của chi đội phòng cháy chữa cháy thành phố Tam Sa, công tác phòng cháy chữa cháy và chi viện khẩn cấp trên đảo Phú Lâm cùng khu vực biển, đảo xung quanh sẽ được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục.
Trao đổi với Đất Việt, TS Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng, Trung Quốc lập chi nhánh cứu hỏa trên Biển Đông là một động thái dân sự không mới của Bắc Kinh. Hành động này cũng tương tự như việc mở chi nhánh ngân hàng Trung Quốc tại cái gọi là Thành phố Tam Sa.
Với mưu đồ chiếm lĩnh vĩnh viễn các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đang tổ chức thêm các chức năng, cơ chế để hoàn thiện dần chức năng của một thành phố ở cái gọi là Thành phố Tam Sa bởi nó không có cơ sở pháp lý.
"Chi nhánh ngân hàng và cứu hỏa được lập ở đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là một hòn đảo lớn tự nhiên mà Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm của Việt Nam. Các hành động dân sự gần đây nhằm hoàn thiện các chức năng của thành phố trái phép này, hiện thực hóa các âm mưu chiếm đóng vĩnh viễn phần lãnh thổ của Việt Nam trên các đảo, quần đảo" - TS Thái nhấn mạnh.
Trong luật pháp quốc tế, bất cứ phần lãnh thổ nào bị chiếm bằng vũ lực thì sẽ không được công nhận hợp pháp, kể cả những đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Do vậy, Trung Quốc đã bất chấp để xây dựng các hệ thống hạ tầng, dịch vụ cơ sở nhằm phát triển cái gọi là Thành phố Tam Sa này.
Thực tế, Trung Quốc đang nỗ lực và đã thành lập một loạt các cơ sở dân sự ở các đảo chiếm trái phép của Việt Nam. Cạnh việc lập Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy, mở chi nhánh ngân hàng Trung Quốc, mở trường học, đòi tổ chức tour du lịch trên đảo nhân tạo... chung quy lại cũng là cách mà Bắc Kinh muốn biến sự việc thành đã rồi, đưa các cơ sở hạ tầng xây dựng lên phục vụ đời sống dân sinh, biến đó là chủ quyền khi có dân cư sinh sống.
![]() |
Trung Quốc mở chi nhánh Ngân hàng ra đảo trái phép. |
Theo ông Thái, cách làm đặc trưng của Trung Quốc từ trước tới nay là thúc đẩy các hành động trên thực địa, dùng những biện pháp dân sự để khẳng định chủ quyền từng bước trên các đảo, biến thành sự việc đã rồi.
Nhận định chung về tình hình Biển Đông trong năm 2017, TS Trần Việt Thái cho rằng hoạt động quân sự ở Biển Đông ít có sự thay đổi đặc biệt lớn nhưng các động thái dân sự sẽ tăng lên, âm thầm diễn ra.
Cách làm của Trung Quốc trước đây là làm dồn dập, thay đổi nguyên trạng ở một quy mô quá lớn nên bị cản trở. Giờ đây, khi đã làm thay đổi một cách cơ bản các đảo thì họ túc tắc làm, làm dần dần từng cái đơn giản một.
Trung Quốc đang cố gắng dân sự hóa các yêu sách quân sự hóa của họ trên cái gọi là Thành phố Tam Sa. Đây là nỗ lực của họ làm phức tạp thêm tình hình, không có lợi cho quá trình trao đổi khi ASEAN và Trung Quốc đang tiến vào quá trình đàm phán COC.
"Trung Quốc vừa đàm phán, vừa muốn ngang ngược hành động trên biển. Điều này phản ánh cách mà Trung Quốc chơi ở Biển Đông là đầy toan tính và hai mặt" - ông Thái nhận định.
Việc xây các cơ sở hạ tầng nhỏ ngày một nhiều hơn như hiện nay phản ánh một cách chơi khác của Trung Quốc trong năm nay do những yêu cầu đòi hỏi của tình hình thế giới.
TS Thái đánh giá, cuộc chơi ở Biển Đông hiện nay rất khác. Nó không chỉ là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà còn đồng thời là quá trình dân sự hóa và quân sự hóa quy mô lớn nhằm biến khu vực Biển Đông thành tài sản riêng của quốc gia. Thực hiện đồng thời vừa dân sự, quân sự vừa đàm phán đối ngoại nên Trung Quốc có đủ lực để triển khai cùng lúc các hoạt động của mình trên mọi lĩnh vực. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc làm xong việc này thì làm việc khác ví như quân sự hóa xong rồi thì triển khai dân sự.
"Trung Quốc đang có yêu cầu về ổn định trong nội bộ để tập trung chuẩn bị cho Đại hội 19 và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao về Nhất đới Nhất lộ sắp tới nên bước đi và cách làm có phần thay đổi. Tức là từ chỗ làm ồn ào, ầm ĩ thì giờ chuyển sang lặng lẽ. Bởi không sớm thì muộn, một khi Trung Quốc đã có nền tảng cứng thì không chỉ ảnh hưởng tới hàng hải trên Biển Đông còn ảnh hưởng tới hàng không nữa" - ông Thái nhận định.
Theo ông Thái, can dự của Mỹ bằng các hình thức khác nhau để đóng góp vào hòa bình ở khu vực Biển Đông là có lợi cho tình hình chung. Hiện nay Mỹ đang lựa chọn nhiều cách tiếp cận khác nhau ở Biển Đông. Trong chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết Mỹ ủng hộ các cuộc đối thoại đàm phán và chưa cần phải dùng các biện pháp quân sự quy mô lớn.
Điều này chứng tỏ Mỹ vẫn tôn trọng chiến thuật ngoại giao. Một khi Mỹ sử dụng sức mạnh thì tình hình đã trở nên rất phức tạp. Do vậy, ngoại giao đang được coi là công cụ chính, là cơ hội để ổn định tình hình.
Philippines vừa qua cũng đưa ra cảnh báo Trung Quốc có thể tiếp tục thực hiện cải tạo tiến vào bãi cạn Scarborough nhưng ông Thái cho rằng, đây chỉ là một cách tăng thế trận của Philippines trước khi đi vào đàm phán về COC với Trung Quốc. Đây là một biện pháp nhằm ngăn ngừa đi trước một bước trước khi bước vào đàm phán, rung lên một hồi chuông với Trung Quốc.
COC trong ý đồ của Trung Quốc
Thạc sỹ Luật Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng, dù hiểu rõ luật pháp quốc tế không công nhận tính pháp lý của các hòn đảo Trung Quốc chiếm trái phép hoặc xây dựng nhân tạo, nhưng Bắc Kinh vẫn bất chấp, quyết tâm xây dựng mọi điều kiện phục vụ đời sống tại hòn đảo này.
![]() |
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc bàn về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) tháng 4/2016. |
Việc mở chi nhánh ngân hàng Trung Quốc ở cái gọi là Thành phố Tam Sa không phải là một bước tiến mạnh mẽ, nhưng nó là một hành động trong một chuỗi các động thái dân sự kéo dài mà Bắc Kinh đã ngụy trang quân sự trên đảo xây dựng nhân tạo phi pháp.
Đặc biệt, nó cũng thể hiện phần nào phản ứng của Bắc Kinh trước thềm cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào cuối tháng này tại đảo Boracay, Philippines.
Theo thạc sỹ Hoàng Việt, Trung Quốc vốn đã nhiều lần tỏ thiện chí trước mặt nhưng sau lưng vẫn vi phạm và lần lữa các ký kết ủng hộ Bộ Quy tắc ứng xử trên biển chung với ASEAN.
Có rất nhiều vấn đề mà lâu nay chưa thể giải quyết được khi các bên tham gia đều nói rất cần COC nhưng tranh cãi ở phạm vi ảnh hưởng của bộ quy tắc này.
ThS. Hoàng Việt cho biết, Trung Quốc muốn bỏ Quần đảo Hoàng Sa ra khỏi các phạm vi có ảnh hưởng của Bộ Quy tắc. Còn ASEAN lại muốn gộp chung cả Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào phạm vi ảnh hưởng.
"Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến thuật 2 mặt, một đằng tỏ ra ủng hộ, mặt khác lại không đóng góp xây dựng cho Bộ quy tắc này. Tôi cho rằng, với tình hình thế giới như hiện nay, cuộc đàm phán chắc chắn sẽ gặp các cản trở lớn, Trung Quốc khó mà dừng bước để ký kết vào đàm phán COC" - ThS. Hoàng Việt nhấn mạnh.
Theo vị luật gia, Trung Quốc khi sắp tiến hành xong việc quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông thì sẽ có rất nhiều cách để tiến hành thu lợi ích từ đó. Trong đó có nhiều khả năng sẽ chèn ép các quốc gia dùng chung tuyến đường hàng hải.
"Trung Quốc đã từng bóng gió đề cập tới một vùng phòng không trên biển. Như vậy, bước tiếp theo có thể Trung Quốc sẽ ngăn cản các tàu khác đi ngang qua khu vực này, dần dần ép buộc các quốc gia khác phải tuân thủ sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông" - ThS. Hoàng Việt nhận định.
Hiện nay, nhiều quốc gia chịu sự ảnh hưởng vào tuyến đường vận tải này vẫn đang nghe ngóng tình hình của 2 "ông lớn", Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông. Trong đó, các quốc gia đặc biệt là trong cộng đồng ASEAN vẫn phải nỗ lực đạt được một tiếng nói chung, buộc Trung Quốc phải đồng ý về COC.
Tuy nhiên, cộng đồng ASEAN đang chịu biến động khá lớn, đặc biệt là từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) và sau phép thử của Tổng thống Mỹ Donald Trump về tình hình Biển Đông.
![]() |
Cơ sở phi pháp do Trung Quốc dựng lên trên đá Tư Nghĩa. |
Đồng thời, chính sách chưa rõ ràng của tân Tổng thống Mỹ ở Biển Đông khiến các nước ASEAN vẫn trong vòng dò xét.
"Một mặt ông Trump tuyên bố sẽ làm căng với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực nhưng mặt khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, các tuyên bố của ông Trump không phải để tác động tới Biển Đông mà muốn sử dụng nó như một con bài để ngã giá với Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại. Điều này vẫn còn chờ vào các chính sách tương lai của ông Trump" - ThS. Hoàng Việt kết luận.
Kim Hoa
Nguồn tin: baodatviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...