NguoiViet.de

http://www.nguoiviet.de


Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): QUO VADIS CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC?

LTS: NguoiViet.de trân trọng giới thiệu tới cộng đồng người Việt ở Đức bài viết của Tham tán Công sứ Thương mại Nguyễn Hữu Tráng, một người "trong cuộc" và luôn tâm huyết, trăn trở với cộng đồng ta ở đây, một tác giả quen thuộc với bạn đọc của báo điện tử NguoiViet.de.
Tổng lãnh sự Nguyễn Hữu Tráng phát biểu khai mạc buổi gặp đại diện hội đoàn người Việt các bang phía Tây và Tây Nam CHLB Đức, ngày 02.04.2011.
Trước khi thành lập một tổ chức thống nhất của người Việt tại Đức, vào tháng 2 năm 2011 tôi có một bài với tiêu đề khá dài „Một cộng đồng đông nhưng không thể là cộng đồng mạnh nếu không có tổ chức“ dưới bút danh Hoàng Hữu Đức (Frankfurt am Main) và được „NguoiViet.de“ đăng ngày 24/2/2011 (đọc tại đây).

Điều mà tôi luôn quan tâm và đau đáu mong chờ là sự đoàn kết, lớn mạnh của cộng đồng chúng ta ở Đức. Chính vì thế mà trong bài phỏng vấn với Tạp chí Hương Việt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Frankfurt về nước tôi có tâm sự điều mà tôi day dứt nhất, chưa làm được, đó là  nhìn thấy một tổ chức thống nhất của bà con người Việt vì tôi tâm niệm rằng „sức mạnh bao giờ cũng ở sự đoàn kết“ như người Đức cũng nói „in der Einheit liegt die Kraft“ (đọc tại đây).

Vì cơ duyên nào mà tôi gắn bó với cộng đồng người Việt ở Đức và vì sao mà đến nay nỗi day dứt ngày nào của tôi vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng?

Trước hết có thể nói tôi là một phần của cộng đồng ở đây, chứ không phải là người ngoài cuộc hay chỉ gắn bó „theo nhiệm kỳ“. Cách đây đúng 40 năm tôi bắt đầu học tiếng Đức ở Thanh Xuân, Hà Nội để chuẩn bị cho một chuyến đi dài đến với nước Đức. Và „định mệnh“ từ đó gắn tôi và gia đình với quê hương thứ hai này và đương nhiên với những người bà con ở đây.  Do hoàn cảnh công việc nên tôi không được thường xuyên ở đây nhưng toàn bộ thời tuổi trẻ sinh viên của tôi là ở Leipzig, Berlin và Heidelberg, được sống ở Cộng hòa dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức trước thống nhất năm 1990; tôi cũng được cử  sang công tác hơn ba năm tại Berlin vào những năm tháng cực kỳ khó khăn, vất vả và nguy hiểm của bà con ta những năm cuối thập kỷ 90 Thế kỷ trước. Hơn bốn năm ở Frankfurt am Main cũng giúp tôi hiểu biết hơn về cộng đồng ở phía Tây. Và từ tháng 7 năm ngoái tôi lại được trở lại Berlin lần thứ ba.

Tôi nói vắn tắt như vậy để khẳng định mình không phải là nhìn cộng đồng qua sách vở, báo chí  như một „người quan sát vô tình“ hay „người qua đường“.
        
Ba lần ở Berlin là ba cảm xúc, trải nghiệm khác nhau đối với tôi, từ lúc còn là cậu sinh viên 19 tuổi và nay đã sắp bước vào „lục tuần“.  Lần này trở lại, tôi vui mừng thấy bà con ta ngày càng ổn định, là điểm sáng trong quá trình hội nhập ở Đức như đánh giá của cơ quan chức năng Đức và con em chúng ta trở thành „hiện tượng“ hay lập những „kỳ tích“ ở các trường học Đức như nhìn nhận của dư luận. Nhiệm kỳ trước của tôi ở Berlin chỉ nghe thấy „băng đảng“, „maphia thuốc lá“, „bắn giết“, „thanh trừng“, các vụ bọn đầu trọc tấn công hay đốt các khu có người Việt  v..v.
        
Nhưng điều vui mừng nhất là sinh hoạt cộng đồng có nhiều khởi sắc do hoạt động đa dạng của những hội đoàn khác nhau. Và chúng ta có một tổ chức chung của cộng đồng, đó là „Liên hiệp người Việt toàn CHLB Đức“ thành lập ngày 20/10/2011 tại Berlin với mục đích tôn chỉ của một tổ chức thiện nguyện là do cộng đồng và vì cộng động. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng việc thành lập Liên hiệp là hướng đi đúng để đoàn kết, tập hợp bà con vì mục tiêu hội nhập, phát triển và hướng về quê hương đất nước. Đây cũng là mong mỏi của bà con bấy lâu nay.
        
Nhưng tiếc thay „niềm vui ngắn chẳng tày gang“ ! Sắp kỷ niệm 5 năm thành lập nhưng Liên hiệp và cộng đồng đã được và mất gì trong thời gian đó? Tôi cho rằng được và mất gì thì mỗi cá nhân, mỗi tổ chức thành viên tự đánh giá. Còn nguyên nhân từ đâu để xẩy ra nông nỗi này có thể cũng có những ý kiến khác nhau. Việc đưa nhau ra Tòa hay dở mỗi người cũng có đánh giá riêng. Suốt những năm qua chúng ta cũng  „lời qua tiếng lại“, „hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại“ đã nhiều, nhưng „kết quả“ chẳng được bao nhiêu, dù là cho „bên này“ hay „bên kia“. Những lời nói bị cho là „xúc phạm“, „động chạm“, „vu oan, giá họa“ hay „vu cáo, vu khống“ gì gì thì cũng đã nói và như bát nước đã hắt đi không bao giờ rút lại được nữa.  Cái mà chúng ta có thể làm được lúc này là hàn gắn rạn nứt, vượt qua chính mình để ngồi với nhau bàn về tương lai của Liên hiệp và những hoạt động sắp tới phục vụ cộng đồng ổn định và phát triển ở quê hương thứ hai này.

Nếu không làm được điều này thì tôi tin chắc rằng cái mất sẽ lớn hơn nhiều cái được, đối với từng cá nhân cũng như đối với cả cộng đồng này.

Cái mất lớn nhất là mất lòng tin vào sự tử tế của con người. Xã hội sẽ ra sao khi vợ không tin chồng, con cái không tin bố mẹ, người dân không tin chính quyền mà mình bầu ra, cấp trên không tin cấp dưới (và ngược lại) v.v. Dù không là người phật tử, nhưng chúng ta cũng nên nghe lời Phật dạy tại Kinh Hoa Nghiêm:  Lòng tin là sự khởi duyên lành, là mẹ của mọi công đức, nuôi dưỡng căn lành, thành tựu quả bồ đề của chư Phật.

Cộng đồng sẽ mất lòng tin vào mục đích thiện nguyện của một hội đoàn dù nó có được khoác một cái tên như thế nào, cũng như mất lòng tin vào những người mà họ đã từng tin tưởng gửi gắm bởi sự „vô tư“, „ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng“.

Cái mất thứ hai  là mất uy tín đối với hai nhà nước Đức và Việt Nam. Nếu ai đó nghĩ rằng một tổ chức thiện nguyện, một hội đoàn quần chúng hay một tổ chức „phi chính phủ“ là „phi chính trị“, thì hoặc là ấu trĩ hoặc cố tình né tránh bản chất của tổ chức đó. Tính chính trị của nó chỉ nhiều hay ít và thể hiện như thế nào mà thôi. Liên hiệp hay bất kỳ một tổ chức nào có đăng ký theo luật Đức đều phải tuân thủ quy định pháp luật và tập quán bất thành văn (còn gọi là truyền thống) ở đây. Mà luật pháp bao giờ cũng mang yếu tố chính trị rất rõ nét. Ngoài ra hội đoàn đó do những cá nhân cụ thể lập ra để phục vụ cho những nhóm người cụ thể. Con người lại sống trong một môi trường xã hội cụ thể nên không thể có con người „phi chính trị“. Phía Đức nhìn nhận và đánh giá về cộng đồng ta như thế nào chắc mọi người đều biết rất rõ. Các cơ quan chức năng của Việt Nam chắc không vui vẻ gì khi cộng đồng người Việt ở Đức suốt mấy năm lục đục, không còn tâm trí nào để chung tay làm những việc lớn hay không còn nhớ lời dạy của cha ông „Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng“.

Cái mất thứ ba là mất thì giờ và tiền bạc vô ích. Mọi người có lý do để thưa kiện và đưa vụ việc ra Tòa án Đức. „Bên nguyên“ chắc chắn cho lý do của mình là chính đáng và „bên bị“ cũng có lý do của mình để nói lại bên nguyên. Là một luật gia tốt nghiệp cả bên Đông và bên Tây Đức tôi ủng hộ việc sử dụng phương tiện pháp lý để „đòi công lý“, nhưng nên coi đó là „công cụ cuối cùng“, là biện pháp „vạn bất đắc dĩ“ (allerletztes Mittel), bởi vì người Việt nói „được vạ má chẳng còn“, „vô phúc thì đáo tụng đình“, người Đức khẳng định „der Rechtsweg ist lang“. Chúng ta mất nhiều thì giờ quý báu để theo đuổi vụ kiện, mất nhiều tiền để thuê luật sư trong khi đáng lý ra thời gian đó có thể suy nghĩ làm được nhiều việc khác có ích hơn và số tiền đó có thể giúp cho những trẻ em nghèo ở Cao Bằng, Hà Giang hay đâu đó trong nước có thêm cuốn vở đi học, áo ấm đêm đông hay miếng cơm có thịt. Kết quả theo đuổi suốt thời gian qua là gì ? Là lời khuyên của tòa hay của luật sư người Đức là các ông bà cùng là người Việt thì nên ngồi với nhau mà hòa giải ! „Thỏa thuận ngoài tòa“ hay „außergerichtliche Einigung“ là „Zauberwort“ đáng lý ra chúng ta  phải tự biết mà không cần người Đức khuyên nhủ.

Cái mất thứ tư mà tôi nghĩ là cái mất lớn nhất đối với những người trực tiếp liên quan là „nỗi khổ tâm“, từ đó có thể sinh ra bệnh tật, tổn hao sức khỏe, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của mình. Phật giáo nói đến „Khổ đế“. Có cái khổ do ngoại cảnh tác động, là quy luật không cưỡng lại được, nhưng đa phần cái khổ đều đến từ tâm. Sinh, Lão, Bệnh, Tử là quy luật của tự nhiên (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ), nhưng „lo lắng, than thở, buồn rầu, tuyệt vọng là khổ“ (Oán tằng hội khổ), „không đạt được cái mình mong muốn là khổ“ (Cầu bất đắc khổ). Tôi tin rằng các anh các chị ở bên này hay bên kia, trong suốt những năm qua đều đã từng trải qua những „cung bậc cảm xúc“ nêu trên. Để thoát khỏi „vô minh“, Phật giáo đưa ra con đường giải thoát gọi là „Bát chính đạo“. Ở đây tôi không muốn đi sâu khai thác tám con đường mà Đức Phật đã dạy, mà chỉ muốn nhắc đến Chính ngữ (chỉ nói điều hay, điều đúng), sống trung thực (Chính mệnh), và hành động chân chính (Chính nghiệp). Làm được như vậy chúng ta đã dứt bỏ được cội nguồn của những tranh luận vô tận để chìa bàn tay với nhau.

Vậy lúc này cần phải làm gì? Hay câu hỏi „Quo Vadis“ (Đi về đâu?) cần có một lời giải đáp.

Luật pháp quốc tế hiện đại có một nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi, đó là  giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình (điều 2 Hiến chương Liên Hợp quốc). Những biện pháp sau được coi là „biện pháp hòa bình“ : đàm phán, điều tra, đối chiếu, trung gian hòa giải, sử dụng những  cơ sở hoặc thỏa thuận cũng như lựa chọn những biện pháp hòa bình khác (điều 33 Hiến chương LHQ). Trong vụ kiện vừa qua, các bên đã sử dụng tối đa „con đường tư pháp“ (Auschöpfung des Rechtswegs), nhưng không mang lại kết quả như mong muốn. Đến quan hệ giữa các quốc gia người ta còn coi trọng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình thế thì tại sao chúng ta lại không ngồi lại được với nhau. Trước đây trong khi chiến tranh còn đang leo thang ác liệt ở Việt Nam, chúng ta cũng đã ngồi vào đàm phán với Chính phủ Mỹ ở Paris. Điều quan trọng nhất để một „đàm phán ngoại giao“ đạt được kết quả là hai bên đều phải có mong muốn và thiện chí đàm phán, không đặt điều kiện tiên quyết và ngừng tiến hành những hoạt động có thể gây căng thẳng cho bên này hay bên kia.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chỉ đối thoại thẳng thắn trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe quan điểm của nhau thì chúng ta mới tìm được con đường thoát khỏi „khủng hoảng lòng tin“ hiện nay và đi trên con đường „chính đạo“ là đoàn kết, hội nhập và phát triển. Đấy là mong mỏi của hàng ngàn, hàng chục ngàn người Việt ở Đức và của cá nhân tôi.

„Biển khổ mênh mông. Quay đầu là bờ“./.
 
Berlin, tháng 7 năm 2016
Nguyễn Hữu Tráng   

------------
LTS: 
- Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả đang là Tham tán Công sứ Thương mại ĐSQVN tại Berlin. Tác giả tự chịu trách nhiệm về các thông tin của mình.

- Ngoài việc tham luận ở ngay dưới đây, bài viết này còn được các bạn đọc sử dụng Facebook tranh luận tại đây.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây