Nguyễn Hữu Tráng (Berlin): TỪ „VÔ HÌNH“ ĐẾN „HỮU HÌNH“

Thứ năm - 27/04/2017 04:08
(Von „Unsichtbar“ đến „Sichtbar“)
Các diễn giả tại hội thảo.
Các diễn giả tại hội thảo.


Đó là tên cuốn sách thuộc đề tài nghiên cứu „Migration im Fokus - Band 3“ của Viện FES (Friedrich Ebert Stiftung), đồng thời cũng là chủ đề thảo luận tại buổi Lễ ra mắt thu hút được sự quan tâm đông đảo của học giả, bạn bè Đức cũng như cộng đồng Việt Nam tại Đức, tổ chức ngày 25/4 vừa qua tại trụ sở chính của FES ở Berlin.

Cuốn sách dầy 368 trang phân tích tương đối đầy đủ quá trình hình thành, phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Đức từ những năm 50 của thế kỷ XX khi những học sinh Việt Nam đầu tiên được sang học tại Moritzburg, các thế hệ sinh viên từ cả hai miền Nam và Bắc sang Cộng hòa dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức (trước thống nhất năm 1990) học tập, nghiên cứu và làm việc trong thập niên 60, 70 và 80, những „lao động Hiệp định“ hay còn gọi là „hợp tác lao động“ sang Đức trong thập niên 80 đến CHDC Đức. Tuy nhiên „dòng chảy“ của lịch sử hình thành cộng đồng cũng còn đến từ những người sang đoàn tụ gia đình, sang từ các nước Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và những người ra đi bằng thuyền trong những năm 70, 80 thế kỷ trước đến Tây Đức cũ. 

Diễn viên Phan Thị Minh Khai phát biểu tại hội thảo


Dù ra đi vào những thời điểm hay hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần hiện nay họ đều đã ổn định cư trú tại quê hương thứ hai của mình là nước Đức thống nhất. Thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở Đức tuy coi bản thân là người Đức nhưng không quên cội nguồn Việt Nam của mình.

Quá trình hội nhập là quá trình nhọc nhằn khó khăn đối với tất cả những người Việt Nam ở Đức. Họ phải khắc phục nhiều thứ và vượt qua chính mình, từ mặc cảm về nguồn gốc, khó khăn về ngôn ngữ, cú sốc văn hóa v.v. Thời kỳ đầu khi nước Đức mới thống nhất họ còn phải đối phó với nạn phân biệt chủng tộc của các thế lực phát xít mới, nạn thất nghiệp, phải tự bươn chải để tồn tại.

Đến nay cộng đồng Việt Nam tại Đức được đánh giá chung là hội nhập thành công. Thế hệ thứ hai, thứ ba còn được nhắc đến như là điển hình học giỏi trong các trường phổ thông.

Vấn đề ở chỗ tuy hội nhập tương đối tốt và được đánh giá là cộng đồng „ít vấn đề“ nhất trong cộng đồng nhập cư, nhưng người Việt lại có vẻ „âm thầm“, „lặng lẽ“ và có vẻ như „vô hình“ ở Đức như cách diễn đạt của một bài báo trên „Thời báo Frankfurt FAZ“ năm 2010 và cũng được nhóm nghiên cứu lấy làm tên cho cuốn sách.

Phân tích khoa học để từ đó tìm ra giải pháp cho việc phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt ở Đức trong giải quyết các vấn đề liên quan đến di cư và nhập cư hiện nay ở châu Âu nói chung và ở Đức nói riêng. Đó cũng là mục đích của đề tài nghiên cứu này. Nói cách khác, người Việt cần tự tin bước từ vị trí vô hình hiện nay sang vị trí hữu hình, hiện diện nhiều hơn nữa ở Đức.
 

Bộ trưởng quốc vụ, Đặc phái viên của Chính phủ Liên bang về di dân, bà Aydan Özoguz, trong Diễn văn chào mừng đã đánh giá cao đề tài nghiên cứu này. Bà cũng đánh giá cao những cố gắng vượt bậc của người Việt trong quá trình hội nhập ở Đức, xứng đáng trở thành hình mẫu cho các cộng đồng di dân khác./.

Xin mời xem thêm các chùm ảnh:

>> Hội thảo về cuốn sách TỪ „VÔ HÌNH“ ĐẾN „HỮU HÌNH“. Ảnh: Hà An & Oberländer     

>> Hội thảo về cuốn sách TỪ „VÔ HÌNH“ ĐẾN „HỮU HÌNH“. Ảnh: Hà An & Wiegand     

FB Nguyễn Hữu Tráng

Chú ý: Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn NguoiViet.de khi đăng lại bài viết trên để tránh vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây