Ông Lưu Hiểu Ba qua đời vì ung thư, tro được rải xuống biển

Thứ hai - 17/07/2017 04:46
Nhà hoạt động chính trị bất đồng chính kiến người Trung Quốc, nhà văn đoạt giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, vừa qua đời hôm thứ Năm 13.07, hưởng thọ 61 tuổi. Tro của ông đã được rải xuống biển trong một hành động mà một người bạn của gia đình mô tả là nhằm xóa bỏ mọi ký ức về ông.
Trong bức hình do Văn phòng Thông tin Thành phố Thẩm Dương cung cấp, bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, nhìn theo khi tro của chồng được rải xuống biển ở ngoài khơi bờ biển thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 15 tháng 7, 2017.
Trong bức hình do Văn phòng Thông tin Thành phố Thẩm Dương cung cấp, bà Lưu Hà, vợ ông Lưu Hiểu Ba, nhìn theo khi tro của chồng được rải xuống biển ở ngoài khơi bờ biển thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 15 tháng 7, 2017.


Ông Lưu Hiểu Ba qua đời vì ung thư      

 

Ông Lưu Hiểu Ba qua đời do căn bệnh ung thư gan, vốn được phát hiện vào tháng Năm, và được công khai hồi tháng Sáu. Ông qua đời tại một bệnh viện thuộc thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Sở Tư Pháp thành phố Thẩm Dương ra thông báo chính thức cho biết.

Được biết đến với chiến dịch trường kỳ đấu tranh cho tự do, dân chủ của Trung Quốc, nhiều người coi ông Lưu là bậc anh hùng, trong khi ông lại là cái gai trong mắt chính quyền Bắc Kinh.

Trong suốt thời gian dài, ông đối mặt với sự sách nhiễu, quản thúc và giam cầm từ phía đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2010, ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa Bình, trở thành người Trung Quốc trong nước đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này, đồng thời cũng là một trong ba người nhận giải trong lúc bị giam giữ, sau ông Carl von Ossietzky quốc tịch Đức (1935) và bà Aung San Suu Kyi người Myanmar (1991).

Lưu Hiểu Ba sinh tại Trường Xuân, Cát Lâm, năm 1955 trong một gia đình trí thức. Ông phải trải qua những năm tháng đầy biến động của nước Trung Hoa hiện đại.

Khi phong trào đấu tranh dân chủ Thiên An Môn nổ ra vào năm 1989, ông đang là học giả thỉnh giảng tại đại học Columbia, New York. Ông Lưu sau đó trở về quê hương, tham gia phong trào vốn bị đàn áp dã man bởi chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

Ông Lưu và những nhà hoạt động khác được ghi nhận là đã có công trong việc hạn chế bớt qui mô của cuộc tàn sát bằng cách thương lượng với các binh lính có vũ trang, mở một đường thoát trong hòa bình cho hàng ngàn sinh viên đang có mặt tại Thiên An Môn.

Ông Lưu sau đó bị bắt với tội danh “đứng đằng sau giật dây phong trào Thiên An Môn.” Mặc dù không phải chịu án hình sự và được phép đi ra nước ngoài, ông Lưu bị đuổi khỏi trường đồng thời bị quản thúc tại gia nếu vẫn tiếp tục sống trong nước. Ông Lưu Hiểu Ba được chính phủ Úc cấp quy chế tị nạn, nhưng ông từ chối.

Sau sự kiện Thiên An Môn, ông Lưu bị giam tổng cộng ba lần, nhưng vẫn tiếp tục tranh đấu cho những cải cách chính trị. Kể từ năm 1999 đến 2008, ông dành toàn bộ thời gian của mình cho việc viết văn, cũng như giúp thành lập Trung tâm Văn bút Độc lập trung Quốc, một diễn đàn cho phép các nhà văn, nhà báo tự do bày tỏ chính kiến của mình. Ông Lưu từng ba lần được bầu làm chủ tịch của tổ chức này.

Năm 2008, Lưu Hiểu Ba giúp soạn thảo “Hiến Chương 08”, kêu gọi cho nhân quyền, tự do bầu cử. Hiến chương này được cho lưu hành vào đúng ngày 10 tháng 12, ngày Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cũng như kỷ niệm 60 năm ngày phát hành Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Ngay trước khi Hiến chương 08 được phát tán, Lưu Hiểu Ba bị bắt với tội danh nghi ngờ khích động lật đổ quyền lực nhà nước, chịu án 11 năm tù. Tháng 10 năm 2010, ông được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Tại lễ trao giải, Hội đồng Nobel của Na Uy đã đặt một chiếc ghế trống trên sân khấu thay mặt cho Lưu Hiểu Ba, do ông không được phép tham dự.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ trích bản án mà Trung Quốc dành cho Lưu Hiểu Ba, cho rằng việc kết án những tiếng nói chính trị ôn hòa đã vi phạm những quyền con người cơ bản được quốc tế công nhận.

Liên minh Châu Âu, Đức, Pháp và nhiều nước khác cũng đồng thời bày tỏ mối quan ngại tương tự. Nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, cùng với cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Madela và 15 khôi nguyên Nobel Hòa bình khác, cũng đã lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Năm 2009, lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một khôi nguyên Nobel Hòa bình, cho rằng việc tù đày một người chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt đã đi ngược lại hoàn toàn các công ước quốc tế về quyền con người.

Ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị giam trong tù khi tình hình sức khoẻ có những chuyển biến xấu, và chỉ được đưa vào bệnh viện vài tuần trước khi ông qua đời. Gia đình ông nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho phép đưa ông sang Mỹ hoặc Đức để chữa trị căn bệnh ung thư gan, tuy nhiên đều bị từ chối.

Tro của Lưu Hiểu Ba được rải xuống biển

 

Tro của ông Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc đoạt giải Nobel Hòa bình vừa qua đời, đã được rải xuống biển hôm thứ Bảy, anh của ông Lưu cho biết, trong một hành động mà một người bạn của gia đình mô tả là nhằm xóa bỏ mọi ký ức về ông.

Ông Lưu, 61 tuổi, qua đời vì rối loạn chức năng đa cơ quan hôm thứ Năm tại một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, nơi ông được chữa trị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được thả ra khỏi tù vì lý do y tế nhưng không được trả tự do.

Ông bị tống giam vào năm 2009 vì tội "kích động lật đổ quyền hành nhà nước" sau khi viết một bản kiến nghị được gọi là "Hiến chương 08" kêu gọi cải cách chính trị rộng rãi ở Trung Quốc.

Góa phụ của ông, bà Lưu Hà, đã bị quản thúc tại gia trên thực tế kể từ khi chồng bà đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng chỉ được phép thăm ông trong tù mỗi tháng khoảng một lần. Bà chưa bao giờ chính thức bị truy tố về tội trạng nào.

Phát biểu tại một cuộc họp báo do chính phủ tổ chức, ông Lưu Hiểu Quang, anh của ông Lưu Hiểu Ba, nhiều lần cảm ơn Đảng Cộng sản vì sự chăm sóc chu đáo xét tới "tình huống đặc biệt" của nhà bất đồng chính kiến này.

Ông cho biết bà Lưu Hà không có mặt vì “hiện tại sức khỏe của cô ấy rất yếu.”

Sau đó ông được hộ tống ra ngoài và không trả lời câu hỏi của các nhà báo vây quanh ông.

Chính phủ sau đó cho báo giới xem hình ảnh tro được rải rác từ một chiếc thuyền.

Một viên chức thông tin của chính quyền thành phố cho biết bà Lưu Hà và ông Lưu Hiểu Quang đã quyết định rải tro xuống biển.

Nhưng ông Hồ Gia, người bạn thân và cũng là nhà bất đồng chính kiến, nói với hãng tin Reuters rằng động cơ đằng sau quyết định hải táng là "không để lại thứ gì để tưởng nhớ ông ấy trên đất Trung Quốc" và vì thế những người ủng hộ ông không thể dựng đền thờ để đến viếng.

Ông Hồ nói trong số những người bạn của ông Lưu ai cũng biết rằng anh trai của ông không đồng ý với quan điểm chính trị của ông, và rằng việc ông xuất hiện trước truyền thông đại diện cho bà Lưu Hà và gia đình là một hành động vì lợi ích bản thân không màng tới người khác.

"Mức độ của những việc mà chính quyền có thể làm luôn vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi, họ luôn có cái gì đó tệ hơn tưởng tượng được hoạch định sẵn," ông Hồ nói về cuộc họp báo.

Nicholas Bequelin, Giám đốc Khu vực Đông Á của tố chức Ân xá International, viết trên Twitter rằng cuộc họp báo là "một trong những màn diễn chính trị thô bỉ, tàn nhẫn và vô tình nhất mà tôi từng chứng kiến."

Quan chức thông tin của chính quyền thành phố cho biết bà Lưu Hà "hiện đang được tự do" và nói thêm rằng là công dân Trung Quốc, các quyền của bà sẽ được bảo vệ theo luật pháp.

Quan chức này không nói bà hiện đang ở đâu.

 Từ khóa: ông Lưu Hiểu Ba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây