Đức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới dù Angela Merkel bỏ phiếu chống

Thứ bảy - 01/07/2017 04:21
Hôm nay 30.06, Quốc hội Đức vừa bỏ phiếu thông qua hôn nhân đồng giới, trở thành quốc gia thứ 14 tại châu Âu thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính
Volker Beck (giữa), nhà hoạt động vì người đồng tính của đảng Xanh, cùng các thành viên ăn mừng sau khi Hạ viện Đức bỏ phiếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ngày 30-6-2017. Ảnh: AP
Volker Beck (giữa), nhà hoạt động vì người đồng tính của đảng Xanh, cùng các thành viên ăn mừng sau khi Hạ viện Đức bỏ phiếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ngày 30-6-2017. Ảnh: AP
 

Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua hôn nhân đồng giới sau một cuộc tranh luận sôi nổi nhưng đầy cảm xúc với 393 phiếu thuận, 226 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Quyết định mang tính lịch sử này đến từ sự thay đổi hiếm hoi của nền chính trị Đức trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Angela Merkel nới lỏng sự phản đối của đảng Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo đối với hôn nhân đồng giới và cho biết sẽ cho phép các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu "dựa trên lương tâm của họ".

Thủ tướng Angela Merkel từng tuyên bố rằng bà không phản đối hôn nhân đồng giới nhưng ủng hộ các giá trị của "hôn nhân truyền thống" vốn được quy định trong Hiến pháp. Mặc dù vậy, bà lại bất ngờ thay đổi quan điểm của mình vào đầu tuần này trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Brigitte. "Bà đầm thép" tiết lộ rằng nguyên nhân của sự thay đổi này xuất phát từ việc chứng kiến khung cảnh hạnh phúc của một gia đình đồng tính nữ cùng 8 đứa con trước đó. Chính phát ngôn này của bà Angela Merkel đã mở đường cho các thành viên của 3 đảng phái còn lại lên kế hoạch bỏ phiếu vào ngày thứ 6.

Đức là quốc gia thứ 14 tại châu Âu thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính sau Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Iceland, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh.

Bà Angela Merkel trong buổi tranh luận tại Quốc hội


Sau cuộc biểu phiếu, bà Angela Merkel khẳng định một lần nữa về lập trường của mình trong một tuyên bố dài 2 phút. Theo đó, bà cho phép bỏ phiếu là vì ủng hộ quyền nhận con nuôi của các đôi đồng tính nhưng vẫn duy trì quan điểm hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người phụ nữ.

Kể từ năm 2001, các đôi đồng tính tại Đức đã có thể đăng ký kết hợp dân sự và sở hữu nhiều quyền lợi giống như vợ chồng dị tính như quyền thừa kế, quyền đại diện... nhưng lại không thể nhận con nuôi. Theo nhiều cuộc khảo sát gần đây, đại đa số người dân Đức đều ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới nhưng các chính trị gia bảo thủ lại ra sức ngăn cản đưa chủ đề này ra bỏ phiếu tại Quốc hội.

Arnd Bächler, một nhà tư vấn và chuyên gia trị liệu tại trung tâm dành cho người đồng tính ở thủ đô Berlin, cho biết: "Điều này sẽ tác động rất tích cực đến lòng tự trọng của người đồng tính cũng như giúp cho họ có thêm tự tin để công khai. Ngoài ra, nó còn gửi đi một thông điệp đến tất cả những người đồng tính dự định di cư đến Đức rằng, 'Chúng tôi có quyền bình đẳng tại đây'".

Katrin Hugendubel, giám đốc của ILGA-Europe, một tổ chức chuyên về quyền của người LGBT, cho biết hôn nhân đồng giới ở Đức có thể tạo đà cho các luật tương tự ở những nước nói tiếng Đức khác như Áo và Thụy Sĩ.

Gerda Hasselfeldt, người đứng đầu Hiệp hội Xã hội Kitô giáo tại Quốc hội, lập luận rằng mặc dù tất cả người Đức xứng đáng được tôn trọng thế nhưng "hôn nhân truyền thống" là nền tảng của cuộc sống gia đình và "nền tảng trật tự trong liên bang của chúng ta".

Christine Lüders, giám đốc Cơ quan chống phân biệt đối xử của chính phủ Đức, thì nói rằng "luật không thiên vị bất kỳ nhóm người nào mà là bình đẳng cho tất cả".

Bà Lüders còn cho biết thêm rằng luật này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại sự phân biệt đối xử bằng cách giúp các mối quan hệ đồng tính trở thành một chuẩn mực xã hội ở Đức: "Tôi chắc chắn rằng chỉ một vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ nhìn lại quyết định này về hôn nhân bình đẳng và tự hỏi: 'Tại sao chúng ta lại phải mất rất nhiều thời gian như vậy?".
 

Rất nhiều người đã tụ tập xung quanh tòa nhà Quốc hội để ăn mừng kết quả bỏ phiếu.


Tuy nhiên, trong lúc diễn ra cuộc tranh luận tại Quốc hội, nhiều thành viên bảo thủ của đảng do bà Angela Merkel đứng đầu cho biết sẽ sử dụng đến Hiến pháp để đảo ngược kết quả. Thế nhưng không rõ là họ có đưa lập luận này lên Tòa án Hiến pháp hay không.

Mai Thảo (theo New York Times)

Nguồn tin: motthegioi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Vũ Hải Dương

    "Thủ tướng Angela Merkel ... và cho biết sẽ cho phép các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu "dựa trên lương tâm của họ".

    Quyền to nhỉ!. Coi ý quan điểm khác của các đại biểu quốc hội, là cái đinh gỉ ?

    Hay là dịch không đúng nghĩa ?

      Vũ Hải Dương   04/07/2017 03:27

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây