Thủ tướng đến viếng nhà thơ Việt Phương, qua đời ở tuổi 89

Thứ tư - 10/05/2017 21:21
Sáng 10/5, lễ viếng nhà thơ Việt Phương đã diễn ra tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Tuổi Trẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Tuổi Trẻ
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương

Tang lễ nhà thơ Việt Phương được cử hành vào lúc 11h30- Ảnh: NAM TRẦN
 Tang lễ nhà thơ Việt Phương được cử hành vào lúc 11h30. Ảnh: VTC News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi sổ tang, chia buồn cùng gia quyến: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Việt Phương, cán bộ lão thành cách mạng, người Đảng viên cộng sản trung kiên, nhà trí thức, nhà thơ, chuyên gia xuất sắc nhiều năm giúp việc trực tiếp cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. 

Trong suốt cuộc đời làm việc, đồng chí Việt Phương đã thể hiện rõ bản lĩnh của người cộng sản, luôn tận tụy, sáng tạo trong công việc, uyên thâm trong tư duy, nhân văn trong cuộc sống và quyết liệt trong đổi mới. 

Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia quyến của đồng chí Trần Việt Phương”.

 

Nhà thơ Việt Phương - tác giả tập thơ Cửa Mở nổi tiếng một thời - vừa qua đời tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội lúc 8h50 sáng ngày 6/5/2017.

Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, tên thật là Trần Quang Huy, đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, từng bị bắt giam.

Ông là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi.

Theo ghi nhận của cổng thông tin Chính phủ, ông Trần Quang Huy về làm việc tại Văn phòng Chính phủ từ năm 1947, đó là những năm đầu tiên sau khi Văn phòng Chính phủ được thành lập (năm 1945).

Kể từ đó cho đến ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời năm 2000, ông Việt Phương đã có 53 năm làm Thư ký cho đồng chí Phạm Văn Đồng trên các cương vị từ Phó Thủ tướng đến Thủ tướng và sau này là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến bây giờ, ông cũng là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất.
 

Nhà thơ Việt Phương từ trần
Nhà thơ Trần Việt Phương - người có 53 năm làm thư ký cho ông Phạm Văn Đồng - Ảnh: vpcp.chinhphu.vn


Năm 1970, ông xuất bản tập thơ Cửa mở, gây chú ý trong dư luận không chỉ công chúng yêu thích văn chương mà còn cả chính giới.

Nhiều năm về sau, nhiều người nhắc đến Việt Phương vẫn còn nhớ những câu thơ nóng bỏng, mới mẻ so với lúc bấy giờ: Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng/ Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm/ Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản/ Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm (bài Tâm sự đảng viên).

Sau những ồn ào về tập thơ Cửa mở, Việt Phương vẫn là cán bộ giúp việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng thời tham gia nhóm cán bộ giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn, và là một thành viên cốt cán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Nghỉ hưu ở tuổi 65, ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định cử làm Ủy viên Thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Khi Tổ chuyên gia tư vấn mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục là Ủy viên Thường trực của Ban.

Về sáng tác, sau tập Cửa mở (1970), Việt Phương có các tác phẩm: Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009), Nhặt nắng trong sương (2009), Cỏ dọc đường trần (2010), Cát dưới chân người (2011), Sống (2012), Lan (2013), Nắng (2013)./.

Theo Lam Điền/Tuổi Trẻ

 

  

tiec thuong tien dua nha tho viet phuong hinh 1
Dòng người thương tiếc tiễn đưa nhà thơ Trần Việt Phương. 

    
Điếu văn do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đọc tại tang lễ nhà thơ Việt Phương có đoạn: “Với 90 năm tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, 73 năm cống hiến cho sự nghiệp giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước, đồng chí Việt Phương đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong những năm đầu kháng chiến chống quân xâm lược...

 Cả cuộc đời phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đồng chí Trần Việt Phương là tấm gương sáng về tinh thần học tập, tận tuỵ, sáng tạo, hết mình trong công việc với một tinh thần nhất quán. 

Đến những năm cuối đời, dù không còn làm việc trong cơ quan nhà nước, đồng chí vẫn tiếp tục suy nghĩ đề xuất với các đồng chí lãnh đạo về việc đổi mới toàn diện và sâu sắc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững...".

tiec thuong tien dua nha tho viet phuong hinh 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang, chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Việt Phương.


Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cũng có những chia sẻ xúc động về nhà thơ Việt Phương. Ông cho biết: “Việt Phương được nhiều người biết đến với danh xưng nhà thơ dù ông là một nhà chính trị. Ông đã đến với thơ và chính thơ đã giúp ông ở lại với cuộc đời. Nhờ thơ, vì thơ và bằng thơ, Việt Phương sẽ còn ở lại trong lịch sử văn học, đặc biệt với tập thơ Cửa mở ra đời năm 1970. Theo tôi, đó là một hiện tượng văn học của thời kỳ ấy. Đó là giá trị của một thái độ dám nói thẳng, nói thật. Người đọc đã ám ảnh, lay động và ngạc nhiên về cảm xúc và tư tưởng của ông trong những vần thơ ấy”.

Việt Phương viết Cửa mở năm 1970. Năm đó ông mới 42 tuổi. Và cho đến lúc nằm xuống ở tuổi gần 90, ông vẫn luôn nhất quán về cách nghĩ, cách cảm nhận.

Theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Cửa mở là một tập thơ đồng vọng và là bài học cho những người cầm bút. Thơ phải đi với nhân dân, phải sống với nhân dân, hãy dám nói thẳng, sống thật, nhà thơ hông thể mũ ni che tai, ngoảnh mặt với nỗi đau của nhân dân mà phải dũng cảm để nói lên điều đó.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương chia sẻ, nhà thơ Việt Phương là một người chân thành, chung thủy.

“Tôi còn giữ bút tích của Việt Phương khi ông tặng tôi cuốn sách Cửa mở. Trong đó ông viết “tình bạn, tình đồng chí và tình người”. Ba chữ ấy cũng nói lên đầy đủ về con người Việt Phương”.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Việt Nam cũng cho biết: “Nhà thơ Việt Phương là một nhân cách, một trí tuệ, một tâm hồn lớn. Nhiều bài viết về Việt Phương trong thời gian gần đây đã chứng tỏ sự kính trọng của bạn bè, đồng nghiệp dành cho ông”.

Sau lễ truy điệu, đúng 13h30 phút ngày 10/5, lễ di quan nhà thơ Việt Phương được tiến hành, thi hài nhà thơ được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội./.

Đào Bích/VOV.VN 

Xem thêm:

>> Thơ Quang Lâm (Hà Nội): VĨNH BIỆT VIỆT PHƯƠNG    

Nguồn tin: VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây