Sáng sớm ngày 30.9.1981, khi còn chưa đến giờ tập thể dục, nằm trên giường tôi đã nghe tiếng máy bay phành phạch sau nhà. Doanh trại tôi nằm sát ngay hàng rào sân bay Bạch Mai, nên tiếng máy nổ nghe rất rõ. Trong sân bay, máy bay lên xuống là chuyện... thường ngày ở huyện. Nhưng tôi không ngờ, chuyến bay ấy là một chuyến bay đặc biệt và thấm đẫm tính vô nhân... Buổi trưa, sau khi đi học ở trường về, 47 sinh viên trong đại đội tôi nhận được tin chính thức: Cướp máy bay ngay tại trung tâm chỉ huy quân chủng không quân!
Ông Dương Văn Lợi – kỹ sư hàng không – trước 1975 có thời gian phục vụ trong không lực của quân đội VNCH. Sau năm 1975, ông bị bắt buộc đi cải tạo ở trại giam miền Bắc. Mãn hạn cải tạo, trở về Sài Gòn, ông tìm cách vượt biên sang Mỹ. Được người em trai là ông Dương Văn Báu – sỹ quan công an nhân dân – trợ giúp, ông Lợi tìm cách móc nối với các phi công trong sân bay Tân Sơn Nhất để trốn qua đường hàng không. Nhưng âm mưu này không thực hiện được vì không tìm được đối tượng để hành động. Đúng lúc ấy, ông nhận được tin có viên thiếu uý phi công Kiều Thanh Lục ngoài Hà Nội, đang nằm chờ ngày ra hội đông kỉ luật vì can tội dùng máy bay đi buôn lậu. Cuộc móc nối thành công. Họ đã vạch ra kế hoạch cụ thể: Mua không bàn và bình ắc quy cũ từ miền Nam ra; đột nhập sân bay; giết lính gác; cướp chiếc UH – 1H mà Lục đã từng lái (hiện đang bị tháo không bàn và bình ắc quy) đang nằm trong sân bay Bạch Mai - ngay trước nhà chỉ huy của quân chủng; Lục sẽ lái chính, còn sĩ quan cơ giới hàng không (đã phục viên) Lê Ngọc Sơn là lái phụ; tám người khác sẽ chờ ở Phúc Xá; bay theo thung lũng sông Hồng rồi sang Hồng Kông tị nạn. Trong số 10 người đào tẩu, có hai cô gái. Hai cô này do Lục tự ý cho đi, điều này làm ông Lợi không hài lòng, vì trái với thoả thuận ban đầu.
Hành động của họ rất hoàn hảo, về cơ bản sự việc xảy ra đúng như kịch bản.
Sáng hôm ấy, một công an viên sau kíp trực đêm về, anh ta đánh răng sau nhà để chuẩn bị đi ngủ, bỗng thấy có một chiếc trực thăng quân sự bay qua. Điều làm cho anh công an này phải chú ý là chiếc trực thăng đó đáp ngay xuống sân bóng Long Biên, rồi có một số người chờ sẵn chạy rất nhanh lên máy bay. Đó là điều không thể chấp nhận – nghĩ vậy - viên công an này gọi điện báo lên sở công an Hà Nội. Sở lại gọi điện nhầm sang quân chủng phòng không. Lúc sau bên không quân mới nhận tin báo thì Kiều Thanh Lục đã cho máy bay bay xa rồi. Tiêm kích của ta được lệnh bay lên khoá cửa biên giới, nhưng tất cả đã muộn...
Từ phải sang: Lục (thứ 3), Lợi (thứ 5), Sơn (thứ 9).
Trung Quốc nhiệt liệt chào mừng và đưa cả nhóm lên Bắc Kinh. Họ hân hoan cử cả lãnh đạo cao cấp tới dự tiệc chiêu đãi đoàn. Ông Hoàng Văn Hoan mừng lắm vì ông đang cần người thân tín vây quanh mình. Tuy nhiên, mục đích định cư của 6 người miền Nam trong nhóm ông Lợi, không phải là Trung Quốc, mà là Mỹ. Thấy vậy, Trung Quốc trở mặt ngay. Họ doạ sẽ tống tất cả nhóm này vào trại tị nạn. Sau cùng, không còn đường nào khác, ông Lợi phải lén mua thuyền và liều mạng đưa cả nhà bỏ trốn. Trong cơn tuyệt vọng giữa biển khơi, họ đã được một tàu của Liên-Xô cứu giúp, sau đó thả cho đi và họ tới được Philippin... Gia đình ông Dương Văn Lợi hiện đang định cư tại Pháp.
Năm người còn lại do Kiều Thanh Lục cầm đầu, cam chịu ở lại Bắc Kinh. Sau này, Hoàng Xuân Đoàn đã bị bắt tại Việt Nam. Ông Dương Văn Báu (em trai ông Lợi, là sỹ quan công an nhân dân) từ Bắc Kinh, vượt biển bỏ trốn và định cư tại Nhật. Còn số phận Kiều Thanh Lục ra sao? Và đây là thông tin mới nhất mà ông Lợi đã cung cấp: “Hai vợ chồng Lục là phi công chánh thì ở lại Bắc Kinh và bây giờ làm ăn giàu có lắm...”
Trong suốt gần 30 năm sau đó, mỗi khi nhớ lại vụ này, tôi lại bị ám ảnh bởi tình tiết người lính gác máy bay bị Lục giết chết. Lục đã giết anh lính này như thế nào? Dùng súng? Dao? Hay bằng vật gì khác? - Đến năm 2009, khi bắt tay vào viết truyện ngắn “Bến Lệ Am”, đến đoạn này, trong tôi luôn vang lên những câu hỏi như vậy. Nhiều giả định đã được đưa ra nhưng không ổn, cuối cùng tôi đã quyết định viết như sau:
“...Sáng tinh mơ hôm ấy, y bắt đầu hành động.
Hai người lính gác cổng giơ tay chào, khi hắn khoác chiếc áo bạt sỹ quan Liên Xô màu cỏ úa bước qua. Một trong hai người lính hỏi:
- Sáng nay anh bay à?Tay kéo cao thêm cổ chiếc áo, như để che bớt khuôn mặt hốc hác vì đêm mất ngủ, hắn trả lời khẽ:
- Ừ.
Rõ ràng đại đội cảnh vệ chưa được thông báo trường hợp bị cấm bay của Kiều Tạc. Bước qua cổng rồi, nhưng hắn vẫn thấy rờn rợn sau lưng, sợ một tiếng quát: „Đứng lại!”. May thay, không có chuyện gì xảy ra. Trong sân bay, trời vẫn tối và mờ đục sương mù. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng dế kêu ríc ríc trong cỏ. Hắn nghe rõ tiếng sột soạt theo nhịp đi của chiếc áo bạt và rõ cả tiếng tim mình đập thậm thình. Kia rồi, trong sương sớm, chiếc UH-1H mang số hiệu 576 đã sừng sững hiện ra. Kiều Tạc rân ran khắp người: “Ôi! cứu tinh của ta, cuộc sống của ta”.Vừa nhón chân chạy được mấy bước, hắn giật bắn người , bởi tiếng quát: “Ai? Đứng lại!”. Rồi một ánh đèn pin rọi thẳng vào Kiều Tạc. Y lấy tay che mặt, trước mặt y là một người lính còn non choẹt, tay lăm lăm khẩu AK.47, ngón tay trỏ đã đặt vào vòng cò. Hắn nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh, vì biết người đối diện không đáng là đối thủ:
- Anh đây! Sáng nay anh bay mà.
Người lính cảnh giác hỏi lại:
- Sao anh lại ra sớm vậy?
- Anh ra trước để lắp bình điện và kiểm tra dầu máy. Cậu gác ca cuối hả?
Không cần nghe người lính trả lời, y hỏi tiếp:
- Có rét không? Hút điếu thuốc cho ấm!
Hắn lấy bao “ba số”, gõ gõ vào lòng bàn tay cho đầu thuốc tụt ra, rồi tiếp cận sát anh lính. Người lính trẻ vui vẻ khoác súng lên vai, dùng hai ngón tay kẹp một điếu. Khi anh ta vừa cúi đầu, khum lòng bàn tay che lửa, thì bị ngay một cú đánh như điện giật vào đúng gáy. Miệng vẫn còn ngậm dở điếu thuốc, người lính xấu số gục xuống chết ngay tại chỗ. Kiều Tạc vứt thanh sắt lên xác anh ta, y ngửa mặt lên trời, giang hai tay, tru lên như một con linh cẩu, rồi lao vút lên buồng lái… Chiếc UH-1 nhẹ nhàng bốc mình lên khỏi mặt đất, nó chao nghiêng một cách thiện nghệ, rồi nhằm thẳng hướng Bắc lao tới.
Lúc ấy, Hà Nội hiên ngang và nghèo khó, vẫn đang chìm trong giấc ngủ đông nồng nàn.
Bốn chiếc MIG-21 của một trung đoàn không quân phía Bắc được lệnh xuất kích. Họ có nhiệm vụ khoá cửa biên giới, quyết không để cho Kiều Tạc cướp máy bay chạy trốn. Lệnh bắn hạ được ban ra trên toàn tuyến. Nhưng sau nhiều lần đan dệt trên bầu trời, phi đội bay phải tay không trở về, vì không thể tìm thấy mục tiêu.
Kiều Tạc tính toán tinh khôn như một con cáo và đã có thừa kinh nghiệm. Hắn cho máy bay bay là là sát mặt nước để tránh sóng ra-đa. Cứ vậy, chiếc trực thăng mải miết quạt nước mà ngược dòng sông Cái. Hắn đã nhẩm tính từ trước và dự đoán khá chính xác thời gian cất cánh của những chiếc tiêm kích. Cho nên, vào đúng thời điểm mà bốn chiếc MIG lao lên, thì Kiều Tạc lại cho chiếc UH-1 nhẹ nhàng hạ xuống nằm im bên gốc đa cổ thụ, ngay mé đồi xuống bến Lệ Am...”
Ông Dương Văn Lợi
Mãi cho đến giữa năm 2016, tôi vào Google tìm tư liệu về vụ cướp máy bay này thì bắt gặp tự truyện “Hà Nội báo động đỏ” của chính ông Dương Văn Lợi viết. Riêng về tình tiết giết người lính gác, ông kể lại, thì thấy không khác mấy so với những gì mà tôi đã tưởng tượng trong truyện. Ông Lợi viết như sau:
“...Sau mỗi chiếc trực thăng đều có một anh lính gác đạn lên nòng. Không ngờ cái anh lính gác đó lại là em chú bác gì với anh phi công chính (tức Lục), ảnh mới nói tao vô sửa soạn máy bay để sáng đưa thủ trưởng đi công tác sớm. Sẵn có cây sắt khoảng 3 gang thì làm sao mà nó đội nón sắt mà đập ngay cần cổ cho nó ngất xỉu được? Thì người anh mới mời nó hút thuốc, bật hộp quẹt đưa ra thì ảnh cứ kéo kéo cho người này cúi đầu xuống thì anh phi công phụ đập anh lính gác một cái cho xỉu rồi đưa bình điện lên ráp...”
Ông Lợi còn kể tiếp: „Lúc sau anh lính tỉnh dậy, bỏ chạy nhưng không kêu được tiếng nào. Lục và Sơn nhảy xuống, đuổi theo và đập anh này tới khi chết“. Cũng theo ông Lợi: „Chuẩn uý cơ giới hàng không Hoàng Xuân Đoàn, sau một thời gian định cư được ở Canada, đã trở lại Việt Nam và bị bắt ngay. Người này bị lĩnh án chung thân. Tuy nhiên hai tên trực tiếp giết người, cướp máy bay, cho đến nay vẫn không hề hấn gì. Chúng vẫn đang sống ở Bắc Kinh và“ - theo như ông Lợi nói ở trên - “làm ăn giàu có lắm”.
Tôi không biết, giữa nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã kí hiệp định dẫn độ chưa? Nếu có rồi, sao không yêu cầu Trung Quốc cho bắt tội phạm? Nỗi đau mất con còn đó, gia đình nạn nhân lại phải gánh thêm nỗi đau nữa, khi biết kẻ thủ ác vẫn sống nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật và ngày càng “làm ăn giàu có lắm”.
Các bạn tôi ở đại đội sinh viên ngày ấy – giờ là những sỹ quan cao cấp trong quân đội – hẳn biết rõ chuyện này. Các bạn liệu có thể giúp được chút ít gì đó cho công lí hay không?
Cùng một tác giả:
>> BẾN LỆ AM (Phần 1)
>> BẾN LỆ AM (Phần 2)
Nguyễn Công Tiến (Halle/Saale, CHLB Đức)
(Ảnh trong bài do tác giả cung cấp)
Chú ý: Chỉ được đăng lại bài khi có sự đồng ý của tác giả!
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...