CHUYỆN THẰNG HÁU
Đơn vị tôi ngày xưa có thằng tên Háu, người dân tộc Tày. Người hắn thấp lùn, nhưng cổ chân, cổ tay to như ống bương. Thằng này quê một cục, làm việc gì cũng như thằng dở hơi, chuyên bị làm bia cho mấy thằng thuộc dòng dõi thị thành công kích. Háu đặc biệt thích đá bóng, nhưng tinh bị bóng nhẩy lên mồm, nên hầu như trận nào cũng bị chầu rìa. Bên nào bí người lắm, nó mới được vào giữ gôn. Những lúc được như vậy, Háu cống hiến hết mình. Nó có thể bay cả người vào chân bất cứ thằng nào dẫn bóng tới sát khung thành. Thỉnh thoảng được lên đá, hắn lao thục mạng, không biết đâu là địch là ta. Vô phúc thằng nào chạy mà bị vướng ống đồng của nó, thì chỉ còn nước ra sân.
Sống với anh em, Háu thật như đếm. Háu đi bộ đội cùng tôi năm 1971. Ngày mới nhập ngũ, Háu làm anh nuôi ở bếp sư đoàn bộ. Nơi đóng quân mới, nó thấy cái gì cũng lạ. Một sáng chủ nhật, Háu dậy sớm đi quanh quẩn nhòm ngó các phòng ban, rồi ra sân bóng sờ mó hai cái cột gôn. Bất chợt, nó gặp một ông cũng già già rồi, mặc thường phục đi nhẩn nha, ý chừng cũng ngó ngó, nghênh nghênh cái gì đó. Háu giương mắt nhìn soi mói, hắn ngạc nhiên: Sao lại có ông già nào đó trong làng, vào doanh trại bộ đội làm gì sớm vậy? Đi qua ông già mấy bước, bỗng nó nghe một tiếng gọi giật giọng:
- Thằng kia!
Háu quay lại nhìn:
- Bác gọi cháu ạ?
- Lại đây! - Háu bước lại gần.
Ông già trợn mắt, chỉ vào ngực mình:
- Mày biết tao là ai không?
- Dạ cháu không biết ạ!
Ông gằn giọng:
- Không biết thật không?
- Dạ, thật ạ!
- Không biết thì... cút!
Ông già phất tay phải chỉ về phía làng Vòng. Thằng Háu vừa ngạc nhiên, vừa sợ, nó chỉ ngược về hướng bếp sư bộ, giọng run run:
- Cháu... ở đằng này cơ ạ!
- Đằng này cũng...cút!
Ông già mặt hầm hầm lại phất tay trái, làm thằng Háu chạy như ma đuổi. Mãi đến tận lúc ăn cơm trưa, nó mới kể lại chuyện nay cho thượng sỹ Quang là anh nuôi trưởng nghe. Nghe xong, anh Quang lăn ra cười. Anh nghiến răng lại, chỉ vào mặt thằng Háu:
- Chết mày rồi con ơi, chuyến này thì tru di tam tộc! Sư trưởng đấy...
* * * * *
Ai đã từng ở các đơn vị quân đội đóng quân trên các đồi trọc Quảng Bình mới thấy được, vào mùa hè, cái nắng nóng, gió Lào nó khắc nghiệt ra sao! Chưa có mưa, lòng các con suối cạn kiệt, có thể xắn quần lội qua. Bể đựng nước dùng cho bộ đội, nhiều khi đáy bị phơi ra như... đít ếch. Hai bên đường không hề có cây cao bóng cả, nắng như úp lửa trên đầu.
Chiều hôm ấy, có một ông cụ già, tóc râu đã bạc, chẳng biết từ đâu, đi đến đúng trước cổng doanh trại thì bỗng nhiên ngã lăn ra đất. Mọi người xúm cả lại. Anh sĩ quan trực ban vực cụ dậy, gối đầu cụ lên đùi mình rồi hỏi:
- Cụ đi đâu?
Ông già rõ là một lão nông, nước da đen bóng mầu đồng đất. Cụ gầy yếu lắm, má tóp, hai mắt trũng sâu. Từ từ mở mắt ra, cụ thều thào:
- Hôi đi...hăm...háu.
Cụ bị cứng lưỡi, lại nói khẽ quá, anh sĩ quan trực ban phải ghé sát tai xuống nghe, rồi anh ngửng phắt lên hô:
- Thằng Háu... Bố thằng Háu... Gọi nó nhanh lên!
Đoạn mọi người đưa cụ vào trạm xá sư đoàn ở ngay gần đấy. Người ta tiêm, rồi người ta khui hẳn một lon sữa “Ông thọ” cho cụ uống... Thằng Háu bị chầu rìa, đang chạy dọc biên, hò hét ầm ĩ cả sân bóng, nghe người ta báo vậy, hớt hơ hớt hải chạy ra trạm xá. Vừa bước chân vào cái phòng bệnh thấp lè tè, tối om om, thằng Háu đã khóc rống lên:
- Ới bố ơi là bố ơi! Làm sao bố khổ thế này? Con đã viết thư về rồi bố còn phải lặn lội lên đây thăm con làm gì để phải khổ như thế này!
Vậy là từ hôm ấy, chiều nào thằng Háu cũng được chỉ huy cho phép nghỉ sớm, ra chăm bố ngoài trạm xá. Khi thì bón cháo, khi thì pha nước chanh, khi lại ngồi đắp khăn ướt lên trán cho bố... Cụ già chừng như còn yếu lắm, chỉ nói câu một, mắt nhắm hờ, thở khò khè.
Được chừng một tuần, cụ khoẻ trở lại. Chiều ấy vào thăm, thấy bố đã ngồi dậy được, Háu mang khăn, chậu ra lau mặt cho cụ... Tôi ra sau hắn chừng chục phút, hắn vừa hắt chậu nước ra sau nhà, thì tôi tới. Với vẻ mặt hốt hoảng, thằng Háu túm tay tôi kéo ngược trở ra, mặt nó nhăn như bị:
- Chết dở! Không phải bố tao!
Tôi bị sốc không kém gì nó! Tôi hỏi:
- Chăm sóc ông cụ cả tuần, mà sao hôm nay mày mới phát hiện ra vấn đề hệ trọng này? Nó gãi tai bảo:
- Trông người cũng hao hao. Mà cũng tại ông già để râu y như bố tao. Phòng tối quá, đèn đóm tù mù chẳng nom thấy gì cả. Hơn nữa, lính tráng tới thăm, thằng nào cũng bố bố, con con nên cụ cũng chẳng biết thằng nào thật, thằng nào giả.
Tôi bảo:
- Thôi, về báo cáo lại cho các ông ấy biết đi!
Nghe thằng Háu trình bầy lại sự việc, mấy anh chỉ huy chỉ biết ôm bụng mà cười. Hoá ra đi thăm con ở trung đoàn bộ, cụ lại bị người dân chỉ nhầm tới sư đoàn bộ. Do đói, mệt, cảm nắng nên cụ bị ngất. Lúc anh trực ban hỏi, cụ trả lời lào phào “tôi đi thăm cháu”, nghe không ra, anh lại hô ầm lên là bố thằng Háu... Vậy mới có chuyện.
Sáng hôm sau, phòng hậu cần điều một Com-măng-ca đưa ông cụ xuống trung đoàn 55 để tìm con. Thằng Háu và một thượng sỹ phòng quân y được đi theo tháp tùng... Từ đấy, con trai ông cụ và thằng Háu thân nhau như huynh đệ.
* * * * *
Làm anh nuôi được gần một năm, Háu được chuyển qua làm công vụ cho đại tá Thọ Sơn - Chính uỷ sư đoàn. Bữa ấy sư đoàn có đại hội lớn. Vì có tài viết chữ đẹp, ban tuyên huấn xin cho Háu lên kẻ vẽ phông màn khẩu hiệu. Một hôm đang ngồi vẽ, Háu thấy ngứa tai, sờ lên thì thấy nguyên vết máu tươi. Sợ quá, hắn chạy lên quân y. Y sỹ soi, sờ nắn rồi hỏi han căn kẽ. Hắn bảo:
- Chẳng bị con gì chui vào, cũng chẳng thấy ngứa thấy đau. Tự nhiên máu ra.
Sau khi lau sạch máu, anh ta cho Háu mấy viên C và B1, bảo về theo dõi tiếp. Gần trưa hôm sau, đang ngồi viết, hắn ta lại thấy máu ra... Người ta soi chiếu mãi cũng chẳng thấy gì, đành viết giấy giới thiệu ra khám ở trạm xá sư đoàn. Háu được nhập viện ngay tắp lự. Hắn ta trả lời rất mạch lạc các câu hỏi của bác sỹ: Không mò trai, mò hến ở suối (lính chúng tôi hay mò mẫm sông suối để cải thiện bữa ăn vốn đạm bạc, nhiều thằng bị đỉa chui cả vào chim, vào tai), không lặn sâu, không bị ai đánh, không sốt, không đau... Ông bác sỹ đứng tuổi ở khoa tai mũi họng, khám cho Háu kĩ lắm, nhưng chẳng biết nguyên nhân gì. Ông viết vào bệnh án: Nghi nhiễm khuẩn phế cầu, viêm tai giữa. Do niêm mạc bị viêm dầy lên bít tai, mủ dồn ứ, chỉ một ít máu thấm qua. Nếu không can thiệp kịp thời, có thể biến chứng nội sọ – tắc nghẽn tĩnh mạch. Theo dõi sốt và đau đầu...
Ngày hôm sau tắm giặt thoải mái, thằng Háu thấy tai mắt vẫn sạch sẽ. Mừng lắm, đến giờ thăm bệnh, nó khoe với bác sỹ. Bác sỹ bảo:
- Tốt! Đồng chí cứ yên tâm nằm viện, chúng tôi còn theo dõi tiếp.
Cả mấy ngày, Háu chẳng thấy được tiêm chọc gì, ngoài mấy viên C và B1 vỗ vào mồm. Nằm thêm đôi ba ngày nữa, cũng chẳng thấy máu đâu. Đến cuối tuần, sau khi vạch tai, vạch họng của Háu ra khám mãi cùng chẳng thấy biểu hiện gì, bà bác sỹ phụ trách điều trị bảo hắn rằng:
- Ổn rồi, thứ hai tới ra viện nhé.
Về tới phòng tuyên huấn, Háu lại cùng với mấy thằng có vân chân, vân tay bò ra kẻ kẻ, vẽ vẽ tranh ảnh, khẩu hiệu để chuẩn bị cho đại hội của sư đoàn. Một buổi trưa, đang vẽ thì thấy ngứa tai, tiện thể đang cầm cây bút, hắn trở đầu, dùng quản bút ngoaý ngoáy. Đưa xuống xem thì Háu giật mình: Máu! Toàn là máu! Lặng đi một lúc rồi hắn ta ôm bụng cười. Hắn cười chảy cả nước mắt nước mũi. Mọi người không đừng được, cũng cười theo ầm ĩ một nhà. Hoá ra chẳng viêm chẳng tắc cái gì hết. Chỉ vì chăm chú vào công việc quá, nên khi bị ngứa tai, hắn ta vô tình dùng cái quản bút để ngoáy. Cái quản bút bằng gỗ đã được cắt vát đi ở đầu để viết nét to, khốn nỗi lại chuyên dùng chấm mực đỏ... Vậy mới ra chuyện.
* * * * *
Năm ấy là đầu năm 1975. Sư đoàn tôi được chuyển sang thê đội 2, bọc lót phía sau cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi là lính của phòng tác chiến sư đoàn. Thằng Háu làm công vụ cho chính uỷ (nhân đây cũng nói lại với mọi người rằng, thời chiến tranh, làm công vụ riêng cho thủ trưởng ở các đơn vị quân đội, đều là nam quân nhân. Bởi vì họ còn kiêm nhiệm vụ cận vệ nữa. Sở dĩ tôi phải nói vậy, vì tôi có đọc một số bài của mấy ông “kiều”, họ viết rằng: Ngày ấy thủ trưởng đơn vị hay lấy nữ công vụ để dễ hủ hoá...).
Phòng tôi ở và nhà thằng Háu ở, cũng gần nhau, có thể đứng đầu hồi mà gọi. Nhưng rất lâu rồi, tôi không được gặp nó. Hình như nguyên tắc đối với những người làm công vụ riêng cho thủ trưởng, là phải ít giao du với bên ngoài. Càng kín càng càng tốt. Thế mới đúng phẩm chất bảo vệ lãnh đạo. Ngày ấy hình như chỉ có Đại tá Thọ Sơn là có vợ và con đến ở trong sư bộ. Ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ thủ trưởng, đương nhiên thằng Háu phải làm hết mọi công việc trong nhà. Tôi không biết nó phải làm những việc gì, nhưng biết chắc rằng những công việc đó đã làm cho nó bức bách tâm lí, dẫn đến phẫn uất cùng cực... Là một người dân tộc hiền lành, chất phác, chân thật là vậy, Háu đã nổi loạn! Nó đã làm một cuộc cách mạng thực sự! Nhưng buồn thay, đây lại là cuộc cách mạng kiểu AQ: Cách mẹ nó cái mạng!
Sáng sớm hôm ấy, người ta nghe có tiếng súng nổ tại nhà đại tá Thọ Sơn. Cảnh vệ bao vây ngay hiện trường. Tôi bị đuổi quay lại. Gặp trung uý Sinh người Sán Dìu trở ra. Anh bảo:
- Thằng Háu tự sát chết rồi! Bằng chính khẩu K59 của chính uỷ!
Nguyễn Công Tiến
(Chú ý: Chỉ được đăng lại bài viết khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de)
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...