Tôi viết những dòng này khi đang ở Berlin mùa đông cuối cùng trong cuộc đời công chức, vào dịp cha tôi nếu còn sống đủ một thế kỷ „tuổi hạc“ và nhân ngày „Nhà giáo Việt Nam“ 20 tháng 11.
Từ bé ở nhà tôi đã nghe xung quanh mình ai cũng gọi cha tôi là „thày giáo“, „bác giáo“, „ông giáo“ và rồi „cụ giáo“ mặc dù từ khi biết nhận thức tôi chưa bao giờ nhìn thấy cha tôi dạy học ở nhà, mà đi „thoát ly“ xa nhà suốt cả tuổi thơ của anh chị em tôi. Cái tên „Giáo“ ấy hầu như gắn chặt vào gia đình tôi đến mức người lạ đến chơi từ đầu làng, ngõ xóm chỉ cần hỏi thăm nhà „ông giáo“ là sẽ được dẫn đến đúng nhà. Có khi không ai cần biết tên thật và tên hoạt động cách mạng („bí danh“) của cha là gì. Có vẻ như cả cái vùng tổng Chờ thuộc Bắc Ninh này có mỗi một ông giáo hay sao mà từ già đến trẻ ai ai cũng „mặc định“ như vậy? Đến mẹ tôi không hề dạy học cũng được gọi là „bà giáo“ và „cụ giáo“ chỉ vì bà là vợ của „ông giáo“. Không có Tết nào mà học trò của cha tôi, những người cũng da mồi, tóc bạc, không đến „lễ Tết Thày“.
Sau này tôi mới được kể là trước ngày đi theo cách mạng trong khởi nghĩa Tháng Tám 1945 cha tôi đã mở lớp daỵ học ở nhà mà hồi đó gọi là „hương sư“. Cha thuộc lớp người tiếp thu và học „quốc ngữ“ và dạy học bằng tiếng Việt nên gọi thế để phân biệt với các „thày đồ“ dạy „chữ Nho“ được gọi là „ông đồ Nho“.
Dù chỉ dạy học có mấy năm ở quê, sau đó rong ruổi mọi nẻo đường ở chiến khu Việt Bắc, từ Đại Từ (Thái Nguyên) trong ATK („an toàn khu“) đến các chiến dịch Biên giới 1950, tham gia „Thanh niên xung phong“ trong chiến dịch Tây bắc, Việt Bắc (1950-53) dẫn đến chiến thắng Điện Biên phủ 1954. Cha làm đến chức vụ gì chúng tôi cũng chẳng biết, phần vì còn bé, phần cũng vì cha ít khi kể về chức vụ, mà chỉ nói về những tháng ngày sôi nổi của cả dân tộc khi chân trần, xe đạp, xe thồ mà làm nên sự kiện „chấn động địa cầu“. „Quà cho mẹ“ sau mỗi lần về chớp nhoáng là những đứa con lần lượt được sinh ra trong thời tao loạn của chiến tranh, giặc giã. Mẹ ở nhà một mình gồng gánh nuôi con và cũng do có chồng đi „thoát ly“ nên cứ mỗi lần „Tây nó càn“ (quân Pháp đi càn quét) đến gần nhà là mẹ lại cho các con lên quang gánh quẩy đi chạy giặc. Đêm đông lạnh lẽo, mấy mẹ con nhiều đêm phải ở ngoài đồng ruộng xa làng chờ giặc rút đi mới dám quay về nhà. Và rồi các con thơ của mẹ do không chống trọi được với khắc nghiệt của chiến tranh và những lần chạy loạn đêm đông giá lạnh như thế nên đã lần lượt bỏ mẹ mà đi khi chưa được một ngày sống trong hòa bình. Lần lượt tất cả sáu lần như thế… Tôi là đứa con thứ chín may mắn sinh „sau kháng chiến chín năm“ nên mới sống được đến ngày nay.
Và rồi hòa bình lập lại, cha trở về mang theo bao nhiêu là huân, huy chương và kỷ niệm chương các loại. Hồi bé chúng tôi thấy nhiều hộp như thế nên thường hay lấy ra đeo cho oai. Trở về từ Việt Bắc chẳng được bao lâu thì cha lại ra đi và từ thị xã Bắc Ninh cha được điều ra Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu. Ngày cha nghỉ hưu cũng là ngày tôi bước lên chuyến tàu liên vận cuối cùng rời Ga Hàng Cỏ Hà Nội sang Cộng hòa dân chủ Đức cách đây hơn bốn mươi năm.
Cả cuộc đời cha, cha không màng danh lợi, địa vị. Cái cốt cách nhà giáo dường như ngấm vào máu thịt khiến cha đứng trên mọi cám dỗ, bon chen của cuộc đời. Hình ảnh đọng sâu trong tâm trí của người thân, bạn bè chiến hữu của cha mãi mãi là hình ảnh „ông giáo“, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi ra ngoài đường là phải chỉn chu, với áo trắng bỏ trong quần tây, cà-vạt, „áo vet“ và mũ phớt. Đôi „giầy Tây“ đen bóng và áo „ba-đờ-xuy“ là những „phụ kiện“ không thể thiếu. Dù hoạt động cách mạng từ rất sớm và đã từng làm đến chủ tịch ủy ban kháng chiến xã trong những ngày ngay sau cách mạng thành công (trước khi đi thoát ly) nhưng cha bị cho là hơi… „tiểu tư sản“ và vì thế không phải ai cũng thích. Thời còn làm việc cha kể có khi mười năm liền cha không lên lương lần nào vì cha nhường chỉ tiêu lên lương cho những người khác, hoặc cha đứng ngoài các cuộc tranh công này nọ…
Khi mới 16 tuổi, không muốn cha mẹ buồn vì kết quả học tập không được như mong muốn và như hy vọng của cha mẹ, tôi đã viết những vần thơ con trẻ nói lên nỗi lòng và lời hứa của một đứa trẻ :
„Cha ơi cha đã bao lâu con biết
Con làm cha phải suy nghĩ về con.
Cha ơi cha quả đất vẫn quay tròn,
Con nguyện sẽ gắng lòng hết sức !
….
Cha lên thăm con khi sương đêm buông xuống.
Cha hỏi con „con còn thiếu những gì“?
Con thưa cha “con không thiếu thứ chi”,
Chỉ thiếu nhiều niềm tin mơ ước !
Tình phụ tử như tình sâu cá nước.
Con không bao giờ đi ngược lại tình Cha !
…
Cha thương con chẳng quản đường xa.
Con thương Cha vì tuổi hạc đã già…
vẫn vất vả vì con, Cha chẳng quản.
…
Cha lại hỏi con “có nhớ nhà không?”
Con chỉ mỉm cười con không nói.
Cha ơi Cha khi học xong mệt mỏi,
Con nhớ nhà con biết nói cùng ai?
Từ khi con chập chững những bước dài…
Cho đến hôm nay con chưa xa cha mẹ.
Nỗi nhớ nhà những đêm thâu trào dậy.
Con nhớ Cha mái tóc dãi dầu
Đã trắng bạc theo thời gian năm tháng.
Con nhớ Mẹ khi trời còn chưa sáng,
Đã cặm cụi làm cho con trẻ ngủ ngon…”
100 tuổi Cha, 99 tuổi Mẹ và như suốt bao năm qua, ngày giỗ Cha Mẹ tôi hầu như không được ở nhà để thắp cho Cha Mẹ nén hương thơm. Chỉ biết gửi gắm nỗi lòng đứa con xa nhà vào nỗi nhớ khôn nguôi!
Nguyễn Hữu Tráng (Berlin ngày 20 tháng 11 năm 2017)
Chú ý: Chỉ đăng lại bài khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de!
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...