Truyện nhiều kỳ của Nguyễn Công Tiến (Halle, CHLB Đức): HỒN MA (Kỳ 1)

Thứ bảy - 17/09/2016 04:06
Nước Đức đang mùa bầu cử. Từ nhiều tuần nay dọc các tuyến đường trong những thành phố, làng mạc đã treo đầy pa-nô quảng cáo bầu cử cho các Đảng. Những tấm biển này là một phần của câu chuyện xảy ra dưới đây...
Truyện nhiều kỳ của Nguyễn Công Tiến (Halle, CHLB Đức): HỒN MA (Kỳ 1)

 
HỒN MA

                                                                                                

Linh cảm, là một dạng nhận thức khởi thuỷ và mơ hồ.
Nhưng, đôi khi nó lại là một lời tiên đoán.

                                                                                                                                                                                                      Tuyết xuống mỗi lúc một nhiều, những sợi tuyết đầu mùa trắng phau và mịn nhỏ như bông, bay cung quăng theo chiều gió, rồi rơi xuống tan biến vào nền đất ẩm ướt. Vào giờ này, khu chợ tuần ở quảng trường thành phố bắt đầu vắng người. Ngoài bến tàu điện, chỉ còn một ít khách muộn mằn, đứng chờ về vùng Burg

Trời tối dần.

Vừa rồi ở cửa Bắc của quảng trường, người ta mới tu sửa xong một ngôi nhà cổ một trăm năm tuổi. Đã mười lăm năm nay, nó vẫn bị bỏ hoang trên mảnh đất vùng phía Đông nghèo khó. Ở tầng dưới, đối diện với khu chợ là quán ăn “Hercules” của một người Hy Lạp mới khai trương. Thứ nữa là tới cửa hàng hoa của bà Meyer và góc trong cùng, còn một khoảng rộng chừng 30 mét vuông, Hoài An đã may mắn thuê được để mở một tiệm làm móng. Ở thành phố trăm ngàn dân này, chưa có một tiệm làm móng nào theo kiểu “American Style”, do vậy tiệm của Hoài An khá đông khách.

Hôm ấy có hai khách cuối bỏ hẹn, nên Hoài An cho công nhân nghỉ sớm. Mình cô ở lại lau chùi dọn dẹp, xong vẫn chưa tới giờ đóng cửa, cô mang tờ báo tiếng Việt mới mua ra. Hoài An có thói quen đọc từ trang cuối trở lên, cô không thích đọc toàn những lời ca ngợi. Vừa mở báo, mắt cô bắt gặp ngay một dòng tít “Nói chuyện với âm hồn”. Rợn hết cả người, cô gấp vội tờ báo vào rồi cố nghĩ sang chuyện khác để gạt đi nỗi sợ hãi. Nhưng những chuyện như “áp vong“, “tìm mộ”… đăng nhan nhản trên các báo tiếng Việt, cứ bám riết lấy cô. “Lạ thật! Sao bây giờ người ta cứ thích rùm beng những chuyện mà thiên hạ đã quên đi từ thời “Tào Tháo”? Chẳng lẽ bây giờ con người đã bị mất lòng tin vào chính mình? Một ma lực nào đó bên ngoài đang điều khiển con người? – Hoài An suy nghĩ như vậy và cố tìm ra câu trả lời. Sợ thì có sợ, nhưng cô vẫn không tin lắm vào những chuyện ma quỷ, thánh thần. Cô nhớ lại mấy năm trước đi học tiếng Đức, trong một bài về chủ đề đề tôn giáo, thầy Igor có hỏi: “Hoài An, cô theo đạo nào?”. Cô trả lời không một chút lưỡng lự: “Thưa, tôi theo chủ nghĩa vô thần khoa học”. Thầy lại hỏi: “Nếu không có đấng linh thiêng, cô đặt niềm tin vào đâu?” – “Tôi tin vào con người.”. Cả lớp im lặng, một số học viên người Ả-rập nhìn Hoài An có vẻ khó chịu. Thầy Igor bảo: “Tốt! Một câu trả lời tuyệt vời mà tôi được nghe trong năm nay. Cảm ơn!”.

Mặc dù vậy, Hoài An vẫn không thắng nổi tâm lý sợ hãi. Ở ngôi nhà cổ này, cô đã nghe người ta đồn rằng, nào là ngày xưa trên tầng áp mái, đã có một người đàn bà treo cổ tự vẫn. Nào là những đêm mưa tuyết, khách qua đường còn thấy bóng người choàng áo đen, ẩn hiện thấp thoáng bên trong. Hoài An không tin những chuyện như vậy, nhưng đọc báo Việt Nam, thấy người ta nói về vấn đề “âm - dương” nhiều quá, cô đâm ra sợ.

Ngoài đường người vắng hẳn, tuyết vẫn rơi. Đang lúi húi thu dọn đồ đạc trên bàn, bỗng Hoài An có cảm giác như có ai, vừa lướt qua bên ngoài. Thấy hơi rờn rợn nhưng cô vẫn ngó ra cửa. Chẳng có gì, trời vẫn trắng những tuyết. Sân chợ đã sạch bóng người, xe bán gà quay của ông già Kurt, người Thổ Nhĩ Kì bắt đầu lăn bánh và một chiếc xe quét rác, đang chạy vòng vèo mãi cuối chợ. Hoài An vừa quay lưng vào, cô định lấy túi xách để chuẩn bị về, thì bỗng cửa xịch mở. Hoài An không còn hồn vía nào nữa, da gà nổi lên lạnh toát khắp người: trước mắt cô là người đàn bà mặc áo choàng đen. Hoài An đứng chết lặng, không kêu lên được một tiếng. Hai mắt cô dán chặt như bị thôi miên vào khuôn mặt kinh dị. Chiếc mũ dạ cũng màu đen, vành rộng, trùm gần kín hai hốc mắt, chỉ chừa ra chiếc mũi khoằm nhăn nheo. Ánh đèn phản chiếu hai con ngươi, chúng soi thẳng luồng sáng ma quái vào mặt Hoài An. Chiếc áo choàng rộng thùng thình, như mắc hờ vào một bộ xương di động.

   - Chúc một buổi tối tốt lành! - Từ “bộ xương” phát ra một giọng run run khàn khàn.

Hoài An hoàn toàn bất động không kịp phản ứng gì, cô vẫn đứng đó, người như bồng bềnh trên sương khói.

   - Xin lỗi! Vẫn còn giờ mở cửa chứ thưa cô?

   - Dạ…dạ… - Hoài An lắp bắp.

   - Tôi không có lịch hẹn, nhưng bây giờ cô có thể làm cho tôi được không? – Vừa nói bà ta vừa chìa ra hai bàn tay xương xẩu – tôi muốn làm mới và vẽ theo mẫu...

Có lẽ không phải ma, ma không thể nào nói được như vậy. Vả lại Hoài An còn nhìn thấy cả những giọt nước nhỏ bám vào vành mũ của bà ta. Cô cố trấn tĩnh, thu hết can đảm, tiến lại gần cái bàn để quyển sổ ghi tên khách. Liếc mắt thấy hơi nước bay ra theo nhịp thở của bà già, cô khẽ mỉm cười vì sự hoảng loạn không đâu của mình - sợ quá, nên “trông gà hoá cuốc”.

   - Xin bà để cho ngày mai được không? - Cô đề nghị.

   - Sáng mai tôi sẽ có khách thăm, tôi muốn xin làm ngay.

Nhìn đồng hồ thấy còn hơn bốn mươi phút nữa, cô bảo:

   - Vâng! Tôi làm, mời bà ngồi.

Lúc này dưới ánh đèn, Hoài An mới nhìn kĩ, bà già này gầy thật, cụ dễ đến tám chục tuổi rồi. Vậy mà vẫn lọ mọ đi làm móng, chẳng hiểu để làm gì. Nhìn thấy đầu chiếc máy bào chạy ro ro, bà già có ý ngần ngại. Thấy vậy Hoài An bào thẳng vào tay mình rồi nói: Bà nhìn này, rất nhẹ, không có gì đáng sợ.

Cụ già đặt hai bàn tay lên bàn. Hoài An nhìn rõ lớp da đồi mồi nhăn nhúm, gân xanh nổi lên chằng chịt. Các khớp ngón gồ lên từng cục. Bà già chỉ còn có chín ngón tay, tất cả đều teo tóp, cong queo. Cô nâng tay bà già lên để xịt thuốc khử trùng, tay bà lạnh thế này, vào từ nãy đến giờ mà tay vẫn lạnh ngắt. Cô nhớ lại ngày còn nhỏ, tối đi ngủ mẹ cô kể chuyện rằng, ma hiện lên trà trộn vào đám người đi chợ sớm, cũng cười nói như thường. Mãi sau người ta sờ phải bàn tay mềm oặt, lạnh ngắt mới biết là ma. Lúc ấy con ma mới thè lưỡi ra, dài hàng mét… Chỉ có tay ma mới lạnh như vậy. Cô bắt đầu run. Bà già săm soi nhìn khắp căn phòng, như muốn tìm lại cái gì đó đã mất.

   - Ngày xưa phòng này không có trần như bây giờ, phía trên là những thanh gỗ giằng chéo nhau. Vừa nói, bà già vừa ngước nhìn lên.

   - Sao bà lại biết ạ? - Hoài An cố trấn tĩnh.

   - Hơn bảy mươi năm trước đây, tôi đã ở trong căn phòng này.

Một lần nữa Hoài An rởn hết xương sống. Hay là ma thật? Hay là người đàn bà thắt cổ năm xưa đang hiện về? Cô luống cuống, tay cầm máy bào run lẩy bẩy và trong lúc hoảng loạn, Hoài An đã để đầu bào cứa vào tay bà già.

   - Á! Điều gì xảy ra vậy? - Bà già nhăn mặt, giật tay lại.

   - Tôi xin lỗi, xin lỗi! - Cô cuống cuồng tìm lọ thuốc cầm máu...

* * *

Lần đầu tiên Hoài An quen bà Sophie Jauch như vậy. Bây giờ bà Jauch đã trở thành khách “ruột” của cửa hàng. Cứ tháng một lần, bà đến ngồi yên lặng để Hoài An thỏa sức vẽ những con bướm, hay những nhành hoa tươi màu xuân sắc lên chín đầu móng tay cằn cỗi. Nhiều lần dù phải đợi lâu, bà vẫn chờ bằng được để vào bàn của Hoài An làm. Cô biết vậy nên luôn dành cho bà những cử chỉ trìu mến nhất. Vì tò mò, nên đã mấy lần mọi người gợi chuyện, muốn nghe bà Jauch kể về ngôi nhà này bảy mươi năm trước. Nhưng bà chỉ méo mó cười rồi nói: “Chuyện đã qua lâu rồi và đau buồn lắm, tôi không muốn nhớ lại nữa”.

Một lần bà Jauch để lỡ hẹn, không thấy đến làm móng. Mấy hôm sau bà mới tới, trên tay cầm một tờ giấy.

   - Xin lỗi vì lỡ hẹn, tôi cũng quên không gọi điện cho cô vì chuyện đi bầu cử.

   - Có gì mới không “Oma”? (cách gọi thân mật của người Việt - bà nội, bà ngoại). Đã từ lâu rồi Hoài An gọi thay con như vậy. Vẫn còn nguyên những bức xúc trong câu chuyện bầu cử, bà chìa tờ giấy cho Hoài An xem.

   - Cô xem, đây là cái gì vậy? Tôi không thể tin được đó là lá phiếu bầu cử hội đồng thành phố.

Hoài An cầm lá phiếu, một bên người ta yêu cầu cử tri bầu nhân sự, một bên bầu cho đảng phái. Cô thấy một nét mực đen khoanh tròn lấy ba chữ cái viết tắt “NPD” (đảng của những người theo chủ nghĩa phát xít mới ở Đức), rồi một dấu hỏi chấm to tướng đặt ngay bên cạnh.

   - Hoài An, cô có biết “NPD” là đảng nào không?

Hoài An nhìn bà gật đầu. Cô đã biết rõ, đảng này theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chống người nước ngoài rất mạnh. Đó là đảng hậu duệ của Hitler ngày xưa.

   - Ờ, vậy tôi không hiểu tại sao nhiều năm nay, người ta vẫn đưa nó vào danh sách bầu cử. Chẳng lẽ nước Đức không còn đảng phái nào khác, nước Đức vẫn chưa đủ những gì do chủ nghĩa Phát xít gây ra hay sao? - Bà hơi nặng lời ở những câu cuối.

   - Khoan đã Oma, đấy là chế độ tự do - dân chủ mà nước Đức đã xác nhận trong hiến pháp. - Hoài An vừa nói vừa đưa trả lại tờ phiếu bầu cho bà.

   - Nhưng tự do cho nó, nghĩa là làm mất tự do của người khác, tức là tạo điều kiện cho chủ nghĩa Phát xít ngóc đầu dậy - Bà Jauch vẫn bức xúc.

   - Oma cứ yên tâm, cụ không phải lo lắng gì nhiều cho mệt. Chuyện ấy đã có nhà nước lo rồi. Hiến pháp của nước Đức và trình độ hiểu biết của nhân dân, quyết không để cho chúng ngóc đầu dậy. Chúng tham gia bầu bán, thì cũng chỉ như những bóng ma vật vờ thôi, không có kết quả gì đâu.

   - Bóng ma vật vờ ư? Tôi không tin là như vậy. - Bà cụ dang hai tay phác một cử chỉ thất vọng. Với nét mặt ưu tư, bà ngồi xuống chỗ quen thuộc của mình.

    Chuông đồng hồ nhà thờ vang lên báo hiệu hai giờ chiều. Hoài An vừa vẽ xong cho bà Jauch ngón cuối, thì cô con gái học lớp hai, đeo cái cặp sách nặng trĩu bước vào.

   - Chúc một ngày tốt lành! - Nó cất tiếng chào.

Bà Jauch ngoảnh lại:

   - Chúc một ngày tốt lành! Con gái cô đấy hả? - Bà già vui vẻ trở lại.

   - Dạ, cháu đấy ạ.

   - Cháu học lớp mấy rồi? - Bà Jauch hỏi nó.

   - Cháu học lớp hai ạ. - Con bé bẽn lẽn trả lời.

   - Vậy là nó lên tám tuổi à? – Bà quay sang Hoài An.

   - Vâng, tháng bảy này là cháu đúng tám tuổi.

Không hiểu sao bà Jauch khẽ cau mày, nét mặt bà lại trở nên đăm chiêu tư lự. Ngồi im khá lâu, không hỏi thêm câu nào nữa, bà như đang thả mình theo dòng suy nghĩ về một nơi xa xăm nào đó. Xong việc, bà gọi con bé lại, vuốt tóc nó khen đẹp rồi hỏi:

   - Cháu tên gì?

   - Dạ, cháu tên là Nga.

   - “Na” à? (Người Đức không phát âm được chuẩn từ “nga”) - Bà hỏi lại nó: - Trong lớp, cháu có nhiều bạn không?

   - Dạ có, cháu có một bạn thân người Đức, tên bạn ấy là Franka, bạn ấy cũng lên tám tuổi như cháu.

   - Tám tuổi à? - Bà cụ nhắc lại. Nói rồi bà Jauch cúi đầu suy nghĩ, miệng bà cứ lẩm bẩm: “Tám tuổi à? Tại sao lại là tám tuổi?”. Khi bà Jauch lấy ví trả tiền, Hoài An kịp thấy bà rưng rưng nước mắt. Không hiểu ra sao cả, cô cầm tay bà nhẹ nhàng hỏi:

   - Oma! Có chuyện gì vậy? Bà giận con à?

Khẽ lắc đầu, bà già rút khăn tay chấm chấm đôi gò má nhăn nheo, rồi ôm Nga vào lòng, dúi  cho con bé tờ mười đồng, bà bảo:

   - Để mua truyện đọc cháu nhé, bà về đây.

Hai mẹ con tiễn bà ra tới tận bãi đậu xe. Chiếc VW Polo màu đỏ lăn bánh. Qua cửa kính họ nhìn thấy bàn tay gầy guộc của bà vẫy vẫy.

Tối hôm đó, Hoài An gọi điện cho bà Jauch, cô biết rằng bà đang có tâm sự. Trong thâm tâm, cô rất quí bà, vì bà cũng bằng đúng tuổi mẹ cô ở nhà, lại có một tình cảm chân thật và sống rất nội tâm. Cô nóng lòng, muốn được chia sẻ nỗi niềm ưu tư mà bà đang cất dấu trong lòng. Sau cùng, bà Jauch cũng đồng ý kể cho Hoài An nghe về cuộc đời của mình. Bà hẹn với cô rằng khi nào chắt nội của bà đến thăm, bà sẽ mời hai mẹ con lại nhà.

Hoài An tra địa chỉ trong bản đồ thành phố, thì hóa ra bà Jauch ở ngay Jerusalemer Platz, nơi này thì cô biết. Ở đó người ta xây dựng một vườn hoa rất đẹp, để tưởng nhớ các nạn nhân người Do Thái, trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Hai mẹ con đến sớm, cô dắt Nga đi dạo một vòng. Xung quanh vườn người ta trồng một loại cây, thân có gai và ra quả như cây bồ kết ở Việt Nam. Viền theo bãi cỏ mới cắt xanh rì, là hàng hoa hồng bạch. Những khóm hoa chạy quanh, rồi ôm lấy chân tượng đài. Dưới cánh cổng vòm, là một tấm lưới thép, mỗi mắt lưới, được người ta đan theo hình ngôi sao David sáu cánh. Hoài An dừng lại trước một tấm bia đá có khắc dòng chữ:

“Nhắc nhở, để người còn sống không bao giờ quên  
tội ác diệt chủng người Do Thái, của chủ nghĩa Phát xít
1933-1945”

Phía bên kia là một hàng chữ Do Thái và người ta ghi rõ niên đại:

“5693-5705“

Hoài An cũng biết lờ mờ, về những vụ thảm sát người Do Thái, trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nhưng cô chưa được đọc một câu chuyện nào mô tả cụ thể về điều đó. Bà Jauch đến chỗ hẹn rất đúng giờ. Đi bên bà là một cô bé tóc màu hạt dẻ, với hai bím tóc nhảy nhót sau vai. Đôi mắt đen của nó mở to, đẹp kì lạ.

    - Mẹ con chúng cháu cũng vừa đến. Hoài An tươi cười.

Họ ôm hôn nhau, rồi giúp hai đứa trẻ cùng làm quen.

    - Đây là Elisabeth.

    - Còn đây là Nga.

Chẳng mấy chốc, hai đứa trẻ đã quấn quít bên nhau. Chúng chạy dọc vườn hoa, đuổi theo những con bướm sặc sỡ, rồi đi nhặt những quả “bồ kết” gom dưới chân tượng đài. Một vài người già trong phố, cũng đã bắt đầu đi dạo quanh vườn.

Hai người phụ nữ, một già một trẻ thong thả tản bộ theo hàng cây. Họ tới ngồi trên chiếc ghế gỗ sồi, đặt nơi cuối vườn. Nhìn hai đứa trẻ chơi đùa, bà Jauch nói:

   - Tôi cũng đã có cái tuổi lên tám hồn nhiên như chúng bây giờ, nhưng đâu được vô tư chơi đùa, đuổi bướm, hái hoa. Tuổi thơ của tôi đau đớn và khủng khiếp lắm.

Biết bà bắt đầu câu chuyện, Hoài An im lặng nhìn vào đôi mắt nâu nhờ của bà chờ đợi. Bà Jauch hướng về phía tượng đài như để nhớ lại những khoảnh khắc xưa. Và với một cái giọng run run đùng đục, bà đưa Hoài An vào câu chuyện cách đây bẩy mươi năm.
                                                       

Nguyễn Công Tiến (còn tiếp)

-------------------

LTS: 
Mọi hành động sử dụng nội dung bài viết trên phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử NguoiViet.de.

Tổng số điểm của bài viết là: 42 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây