Những người xưa nay hy vọng nước Đức sẽ không bị tấn công vì đã tỏ ra mềm mỏng hơn Mỹ, Anh, Pháp trong các liên minh quân sự chống IS hay El Quaida nay đã thất vọng.
Những người vẫn tin là lực lượng cảnh sát của Đức, vốn đã đi trước IS trong nhiều âm mưu tấn công trước đấy, bỗng thấy hụt hẫng. Cảm giác bất an bao trùm lên không khí tết Giáng sinh. Một số người Đức tốt bụng, từng cưu mang, giúp đỡ người tỵ nạn Trung đông, nay có cảm giác bị bội ơn hoặc thậm chí nghi ngờ động cơ từ thiện của mình. Trong khi đó, các phần tử cánh hữu, bài ngoại dựa vào vụ này để kích động.
Hai ngày sau vụ khủng bố đẫm máu đó, tất cả các báo lớn trên thế giới như El Pais (Tây Ban Nha) La Croix (Pháp), Financial Time (Anh) Neue Zürcher Zeitung (Thụy Sỹ) đồng loạt ca ngợi phản ứng mẫu mực của nhân dân Đức, xứng đáng là một „Xã hội dân chủ già dặn“ (Eine reife demokratische Gesellschaft)
[1].
Trong khi lực lượng cực hữu đang đe dọa các nền dân chủ châu Âu, ví dụ cơn địa chấn Brexit của UKIP tại Anh, hoặc việc Marie le Pen sẽ ứng cử tổng thống Pháp năm 2017, cũng như Geerd Wilders đang tìm cách đưa Hòa Lan ra khỏi EU, hay việc ứng cử viên cực hữu Norbert Hofer suýt trở thành Tổng thống Áo trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua (46,3%), thì những gì xảy ra tại Đức sau ngày 19.12 đã khẳng định các đánh giá trên.
- Phản ứng của xã hội Đức
Nước Đức đã treo cờ rủ. Tất cả các trận bóng Bundesliga đều tổ chức mặc niệm các nạn nhân khủng bố. Tổng thống, Thủ tướng Đức và rất nhiều nhân vật tên tuổi trong xã hội đã chia buồn với nạn nhân, kêu gọi cảnh giác, kể cả với bọn khủng bố và cả với những kẻ lợi dụng khủng bố để chia rẽ xã hội. Cả 2.500 chợ Giáng sinh khắp nước Đức đều tiếp tục mở cửa, sau khi mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân. Dân chúng Đức đã chứng minh là khủng bố không thể phá vỡ cuộc sống văn minh tự do của họ.
Ngay sau vụ khủng bố xảy ra, những người đứng đầu bốn giáo hội chính tại Berlin: Thiên chúa, Tin Lành, Do thái và Hồi giáo đã đến Nhà thờ Tưởng niệm, ngay bên cạnh nơi gây án, đồng thanh lên tiếng phản đối hành vi khủng bố man rợ và tưởng niệm các nạn nhân. Thật ấn tượng với thông điệp từ các nhà tu hành: „Không thể dùng thù hận để trả lời hận thù“.
Chính giới Đức đang bất đồng về chính sách tỵ nạn của bà Merkel nên phản ứng không đồng nhất. Phe bảo thủ trong Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo CSU đã tăng sức ép lên phe của bà thủ tướng, đòi thắt chặt luật tỵ nạn và tiến hành trục xuất nhanh chóng những người không đủ tiêu chuẩn tỵ nạn.
Đảng dân túy „Sự lựa chọn của nước Đức“AfD, hiên đang được 12% dân chúng ủng hộ, chắc chắn sẽ vượt ngưỡng 5% để vào quốc hội Đức trong cuộc bầu cử tháng 9.2017. Tuy nhiên khả năng tham chính của AfD bằng 0%. Tất cả các chính đảng trong quốc hội đều tuyên bố sẽ không bắt tay AfD. Đây là sự khác nhau cả về chất và về lượng của nền dân chủ ở Đức, so với các nước láng giềng.
Hơn cả nỗi lo ngại sự khủng bố của người Đức, người nhâp cư gốc Hồi giáo nói riêng và người ngoại quốc nói chung còn lo sợ làn sóng bài ngoại sẽ nổi lên rầm rộ như đã từng xảy ra năm ngoái với hàng chục vụ đốt nhà, tấn công người nhập cư. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Phần đông người Đức có cái nhìn công bằng trong vấn đề này: Việc giúp đỡ những người tỵ nạn và việc phải trấn áp và tiêu diệt các âm mưu khủng bố là hai nhiệm vụ của xã hội để bảo vệ nền dân chủ và chủ nghĩa nhân đạo.
Dư luận xã hội và chính giới Đức cũng bác bỏ ngay ý kiến đưa Quân đội Đức vào hỗ trợ cảnh sát bảo vệ nội địa. Trong thể chế dân chủ, quân đội chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tổ quốc trước các cuộc xâm lăng, không được can thiệp vào các hoạt động an ninh nội địa. Nếu cảnh sát yếu kém hoặc quá tải thì phải giải quyết tận gốc vấn đề đó.
Bài học lịch sử về Chủ nghĩa Phát xít là một chất xúc tác tạo ra sự vững bền của nền dân chủ, của các tư tưởng tự do ở Đức.
- Chính sách tỵ nạn của Đức
Tôi không hề bầu cho thủ tướng Merkel trong ba cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng câu nói ngày 15.09.2015 của bà, đáp lại những kẻ phê phán chính sách mở cửa đón tỵ nạn: „Nếu giờ đây, chúng ta phải xin lỗi vì chúng ta đã có những cử chỉ nhân đạo trong lúc hoạn nạn thì đây không phải là đất nước của tôi“, đã khiến tôi khâm phục người phụ nữ này.
Bà Angela Merkel lớn lên tại CHDC Đức nên rất cảm thông với số phận của những người tỵ nạn. Mùa hè 2015, được cổ vũ bởi dư luận tiến bộ Đức, bà đã quyết định mở của đón gần một triệu người tỵ nạn Trung Đông đang đói khát và bị xua đuổi khắp châu Âu. Quyết định hợp lòng dân đó đã cứu sống hàng trăm ngàn người. Hình ảnh lan truyền khắp thế giới về hàng ngàn người Đức giang tay đón người tỵ nạn không phải là sự bịa đặt của truyền thông nước này, mà là bằng chứng của một xã hội nhân đạo.
Nhân dân Dordmund đón chào người tỵ nạn
Việc quyết định của Thủ tướng Merkel nhận được sự đồng thuận của xã hội và và ủng hộ của chính giới Đức liên quan đến lịch sử hình thành nước CHLB Đức sau chiến tranh.
Các chính khách lập quốc hồi đó, Konrad Adenau, Willy Brand, những người tỵ nạn Hitler từ Bắc Âu trở về, hay Theodor Heuss, nạn nhân của chế độ Quốc xã, đã quyết tâm xậy dựng một nước Đức dân chủ để rồi từ mảnh đất này không bao giờ có thể lặp lại các thảm kịch của Chủ nghĩa Phát xít hay Chủ nghĩa Phân biệt Chủng tộc.
Ngày 23.05.1949 bản hiến pháp văn minh nhất trong lịch sử dân tộc Đức ra đời, trong đó điều 16a khẳng định quyền được tỵ nạn chính trị của con người và trách nhiệm bảo vệ người tỵ nạn của nhà nước Đức
[2]. Do đó, Đức là nước có bộ luật tỵ nạn (Asylgesetz) hào hiệp nhất thế giới.
[3]
Khung luật pháp và bộ máy nhà nước chuyên về tỵ nạn đã cho phép nước Đức bỏ ra 16 tỷ Euro để đón nhận, chăm sóc gần một triệu người tỵ nạn trong thời gian ngắn nhất. Nước Đức, quê hương của „Câu chuyện thần kỳ về kinh tế“ trong thế kỷ 20, mùa hè 2015 đã tạo ra một tấm gương về Chủ nghĩa Nhân đạo cho toàn thế giới.
- Sự đánh tráo khái niệm của những kẻ mỵ dân:
Vài giờ sau khi vụ khủng bố Berlin xảy ra, ông Marcus Pretzell, lãnh đạo của AfD đã gọi các nạn nhân vụ khủng bố là „Những cái chết của bà Merkel“.
Với tuyên bố này AfD muốn gắn trách nhiệm của vụ khủng bố, không phải vào bọn giết người, mà vào các quyết định cứu người của bà Merkel. Có người tin vào điều đó, mặc dù nước Đức đã là mục tiêu khủng bố từ vụ đánh bom thất bại năm 2012 ở nhà ga Köln
[4].
Không phải ngẫu nhiên mà AfD được 12% tín người Đức tín nhiệm. Quá trình toàn cầu hóa trong mấy chục năm qua đã kéo các dân tộc xích gần lại với nhau, nhưng cũng xóa nhòa nhiều phân cách về kinh tế và văn hóa. Một bộ phận nhân dân các nước bắt đầu lo sợ cho sự thịnh vượng của xứ sở, cho bản sắc của dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc và tình cảm dân tộc, chất kết dính bảo đảm sự trường tồn của mỗi quốc gia, bắt đầu trỗi dậy trong tiềm thức nhiều người. Đây là một phản ứng phù hợp với quy luật của cuộc sống và đang tạo ra khuynh hướng chống toàn cầu hóa trên thế giới. Các đảng cực hữu và dân túy ở Đức cũng không bỏ lỡ cơ hội này, tuy biết rằng phần đông những người bỏ phiếu cho họ không phải là những kẻ theo chủ nghĩa chủng tộc.
Gậy ông lại đập lưng ông. Tuyên bố của Pretzell đã bị hàng ngàn công dân mạng phản đối và một phụ nữ đã yêu cầu cảnh sát vào cuộc, điều tra hình sự lời tuyên bố mang tính kích động hằn thù đó
[5]. Dư luận Đức đã bác bỏ các luận điệu của AfD như sau:
- Các tổ chức hồi giáo cực đoan vẫn lấy khủng bố là một mục tiêu để đánh vào xã hội văn minh nên từ 2011 đến nay, trước khi có khủng hoảng tỵ nạn, bọn chúng đã liên tục tấn công khắp châu Âu, từ Nga, Bulgary, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức. Chúng đã chủ động đưa bọn khủng bố đến các mục tiêu mà không cần lợi dụng dòng người tỵ nạn
- Từ 2014 đên nay, Pháp và Bỉ, tuy không nhận người tỵ nạn Trung Đông như Đức, nhưng lại chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố với hàng trăm người chết, do chính những kẻ lớn lên tại Châu âu thực hiện.
- Việc các cuộc tấn công gần đây, kể cả bất thành, lại do chính những kẻ khủng bố len lỏi vào dòng người tỵ nạn gây ra, cho thấy một âm mưu khác: Dùng con bài tỵ nạn để tạo nên một thứ thuốc nổ mới trong lòng xã hội, phá vỡ nền dân chủ. Ở điểm này, trớ trêu thay là IS và các đảng cực hữu, dân túy, lại có những điểm tương đồng.
- Thử thách đối với nền dân chủ
Trong thực tế, làn sóng một triệu người, đa số theo đạo Hồi, đổ vào Đức đã đặt dân tộc này trước một thử thách chưa từng có. Một nền kinh tế với gần 4000 tỷ USD GDP có thể giải quyết được chỗ ăn chỗ ở cho họ, nhưng những khác biệt về văn hóa, về tôn giáo, về lối sống thì chắc chắn là cần thời gian và lòng kiên nhẫn cao độ.
Ngay cả việc để dòng người tỵ nạn ồ ạt vào Đức một cách không kiểm soát trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng hiện đang để lại cho các cơ quan tình báo khá nhiều vấn đề đau đầu.
Vụ 2000 thanh niên tỵ nạn Bắc Phi gây rối, lạm dung tình dục hàng trăm cô gái Đức tại ga Cologne đêm giao thừa năm ngoái đã đưa lòng độ lượng và sự tử tế của cả nước Đức đến chỗ ngờ vực.
Vụ một người tỵ nạn Afganistan hiếp dâm và giết chết một nữ sinh ở Freiburg, vụ khám phá ra âm mưu đánh bom của cậu bé tỵ nạn Irak 12 tuổi ở Ludwigsburg, vụ tên khủng bố Albakr tự sát trong nhà tù Leipzig v.v đã cho thấy những kẻ hở khổng lồ trong hệ thống hành pháp và những yếu kém tiềm tàng trong bộ máy cảnh sát Đức. Kế hoạch tăng thêm 20.000 cảnh sát trong toàn quốc đã trở nên cấp thiết sau vụ 19.12.
Bên cạnh lý do chính là lực lượng an ninh của Đức, kể cả về số lượng và chất lượng, chưa được chuẩn bị cho cuộc chiến chống khủng bố ở tầm cỡ này, còn có những yếu tố khác đang gây khó khăn cho họ:
Xin lỗi bạn đọc Tuyết Minh vì tôi không biết có phản hồi này. Mọi phản hồi qua FB tôi đều hồi đáp. Xin có một số ý kiến như sau:
1- Là công dân CHDCĐức, bà Merkel hiểu hơn các chính khách khác nỗi đau của người tỵ nạn, vì nhân dân CHDC Đức thực tế là một dân tộc tỵ nạn lớn ở châu Âu. Trong 40 năm của thể chế này đã có 3,8 triệu người Đông Đức chạy sang Tây Đức và các nuớc Bắc Âu. Riêng mùa hè 1989, hàng chục ngàn người đã chịu cảnh chen chúc nhau trong các ĐSQ ở Tiệp, Hungary và các làng vùng biên giới Áo Hung.v.v. Có muôn vàn bảo tàng và bài viết, phim về các vụ tỵ nạn thất bại hay thành công của nguời dân DDT´´R. Đó là ý chính. Còn một ý phụ nữa là trong số 2 triệu người Đức bỏ vùng Schlesien, Ostpreußen để về Đức trong năm 1945, đa số dừng lại ở Đông Đức, vì không đủ sức đi tiếp về miền Tây. Tất cả các số phận này đã khăc sâu lên tâm trí những người Đông Đức
https://de.wikipedia.org/wiki/Flucht_aus_der_Sowjetischen_Besatzungszone_und_der_DDR.
Yếu tố gia đình và tôn giáo như bạn nêu, cũng có thể ảnh huởng, nhưng không phải là điểm phân biệt giữa bà Merkel với các chính khách Đức khác
2- Đức là cường quốc tham gia it nhất vào các liên minh quân sự của phuơng Tây. Chính quyền Schröder đã đứng ngoài cuộc chiến ở Irak. Ngoại truởng Westerwelle chủ truơng không tham gia liên minh quân sự không kích Lybien. Mọi tham chiến khác chỉ ở mức độ thấp (AWACS-Mision). Sứ mệnh ở Afganistan chủ yếu là đào tạo..v.v. Lý do chính phủ đưa ra thường là quá khứ quân phiệt của Đức. Báo chí thì coi các động tác này là để tránh các xung đột trong nuớc
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/deutsches-jein-zum-libyen-einsatz-schwarz-gelb-isoliert-westerwelle-a-782864.html .
3- Việc so sánh không quân bảo vệ vùng trời với việc đưa quân đội vào bảo vệ nội địa quả là một trời một vực. Khái niệm vùng trời trong quân sự (Luftraum) không phân biệt nội địa hay biên giới! Ngay sau vụ Paris, bộ nội vụ Đức đã bác bỏ yêu cầu của một số chính khách về việc đưa quân đội vào tuần tiễu trong phố phuờng như bên Pháp. http://www.zeit.de/politik/deutschland/2016-09/innere-sicherheit-bundeswehreinsatz-inland-huerden.
Lý do thì bài viết đã nêu.
@Xuân Tho 1. Thứ nhất, TG muốn bảo vệ những điều mình viết là điều dễ hiểu và quyền chính đáng. Tuy nhiên để thuyết phục TG cần đưa 1 nghiên cứu uy tín thì sẽ thuyết phục hơn là đưa trang web của wikipedia về tình hình trốn khỏi Đông Đức. Còn nếu muốn đưa về quá khứ thì theo tôi xem tiểu sử Merkel tại https://de.wikipedia.org/wiki/Angela_Merkel thấy bà ta cũng đã từng là Đoàn viên thanh niên tự do Đức (FDJ) và thời gian làm việc tại Viên hàn lâm khoa học CHDC Đức cho tới đổ tường Berlin tuy không phải Đảng viên cộng sản, nhưng cũng chẳng hề hoạt động trong nhóm đối lập nào, thậm chí vẫn tích cực hoạt động với nhóm FDJ - (Tương tự Đoàn thanh niên cộng sản HCM của VN).
Còn TG thử nghĩ nếu 1 đoàn viên CS ở Việt Nam và lớn lên không chống chế độ thì mấy ai quan tâm số phận những người di cư vào nam 1954, hay những người dân khác trốn khỏi đất nước đi tị nạn 4 phương trời sau này …, nếu không nói có khi còn cho người trốn chạy là „phản bội“ đất nước!? Còn TG có để ý đến tỉ lệ dân Đông Đức cũ chống người nước ngoài cao hơn hẳn dân Tây Đức cũ không? Ví dụ dưới đây là 1 bài, nhưng còn nhiều bài hay số liệu chính thức khác – và như thế làm sao TG có thể khẳng định như trong bài viết về dân Đông Đức thông cảm nỗi đau của người tỵ nạn hơn dân Tây Đức của được nhỉ?!
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/ost-west-streit-faktencheck-zu-rassismus-a-1050637.html
2. Để bảo vệ nội dung 2 (Xem ý kiến góp ý của tôi) đáng tiếc TG không đưa điều gì mới mẻ thuyết phục, mà đưa 1 bài viết chủ yếu về ngày tàn của Westerwelle, chưa kể ông ta cũng chỉ có vai trò Bộ trưởng ngoại giao trong nội các Chính phủ! Thời sự gần đây
https://www.bundesregierung.de/Content/DE/Interview/2016/12/2016-12-21-de-maiziere-zdf.html
người chịu trách nhiệm về an ninh, ông de Maizière đã nói khá rõ, là Nhà nước IS đã tuyên bố chiến tranh với Phương Tây (từ 2014), trong đó có Đức
Xem tại đây
https://www.welt.de/politik/ausland/article148853659/Der-Strategiewechsel-des-IS-mit-Ansage.html
Tóm lại quan điểm tôi vẫn bảo lưu ý kiến góp ý cũ.
3. Về nội dung 3 tôi nghĩ Bộ nội vụ Đức không thể làm trái Hiến pháp - còn dưới quyền Thủ tướng, cho nên đầu đề bài báo tác giả nêu: « Bộ nội vụ phản đối hoạt động của quân đội trong nội địa » thực ra cũng chỉ ở mức độ – vì nếu TG đọc đoạn Bộ nội vụ cải chính phần cuối bào báo TG nêu sẽ thấy họ không loại trừ toàn bộ hoạt động của quân đội, mà quân đội sẽ phù hợp với 1 số hoạt động trong nội địa như chống lại vũ khí hóa học, sinh học, không phận … Còn TG đưa ý kiến trong Khái niệm vùng trời trong quân sự (Luftraum) không phân biệt nội địa hay biên giới tôi thấy trúc trắc, khó hiểu, vì biết mục đích TG qua đó muốn nói là trong nội địa quân đội bảo vệ vùng trời sẽ không được gọi bảo vệ nội địa, để củng cố khẳng định của mình trong bài báo. Tuy vậy tôi kiến nghị tốt nhất TG nên đọc lại Hiến pháp Đức và hiểu nó thì hơn là tìm lí lẽ ngụy biện!
LTS: Các bạn chú ý! Tác giả của ý kiến này không phải "Minh Tuyết" (như các bạn đang nhìn thấy bên dưới), mà là "Tuyết Minh", người đã thảo luận tại bài viết này ngay từ đầu. Hiện nay chúng tôi chưa sửa được (vì không đơn giản), mong các bạn hiểu là bạn Tuyết Minh đang thảo luận nhé. Xin lỗi bạn Tuyết Minh và cảm ơn các bạn đã đọc!
Cảm giác tôi khi đọc những bài của các tác giả đang sống trên đất Đức trước hết tôi thường có sự quan tâm riêng, trân trọng những bài báo đem lại những kiến thức cần thiết thêm cho Cộng đồng người Việt và gốc Việt nhất là những bài chất lượng cao. Ngoài mặt tích cực có không ít thì đáng tiếc còn những hạt sạn trong các bài viết về mặt nội dung, chính tả … xem ra là chuyện bình thường, nếu các tác giả không có người giúp sửa bài.
Đọc bài của TG Xuân Thọ đáng tiếc có 1 số vấn đề nội dung đưa ra tôi không thể ủng hộ hay thấy không chuẩn xác: ví dụ: „Bà Angela Merkel lớn lên tại CHDC Đức nên rất cảm thông với số phận của những người tỵ nạn“, vì tôi tin chưa có kết luận của 1 tổ chức điều tra nghiên cứu uy tín có kết luận như vậy. Riêng kết luận về người Đông Đức có nhiều hành vi bạo lực với người nước ngoài so người bên Tây Đức cũ thì tôi có đọc. Còn không TG Xuân Thọ cần đưa ra bằng chứng, nếu không chỉ là suy nghĩ cá nhân và với tôi không đủ cơ sở để nói như vậy. Nếu như ai lí luận Bà ta nhân đạo do nguồn gốc xuất thân (Đạo tin lành và con mục sư) thì tôi dễ đồng ý hơn.
Hay nhận định: „Những người vẫn tin là lực lượng cảnh sát của Đức, vốn đã đi trước IS trong nhiều âm mưu tấn công trước đấy, bỗng thấy hụt hẫng.“ Tôi cũng không ủng hộ vì quan điểm chung của các nhà chức trách Đức là điều gì xảy ra ở nước ngoài đều có thể xảy ra ở Đức (vì Đức có tham gia chống IS).
Tiếp theo là nhận định: „Những người xưa nay hy vọng nước Đức sẽ không bị tấn công vì đã tỏ ra mềm mỏng hơn Mỹ, Anh, Pháp trong các liên minh quân sự chống IS hay El Quaida nay đã thất vọng.“ Tôi cũng không thể ủng hộ. Thứ nhất là nước Đức đứng trong Liên minh chống IS, không chỉ giúp bằng máy bay do thám và tầu để đánh IS mà còn cung cấp 1 lượng vũ khí lớn cho các nước đánh IS. Mà lực lượng có thể giúp IS hiện đang nằm trong lòng các nước chống IS nên dễ hiểu IS sẽ đáp trả khi bị đòn.
Còn 1 ý quan trọng tôi cho TG cũng đưa không chuẩn xác, cụ thể: „Dư luận xã hội và chính giới Đức cũng bác bỏ ngay ý kiến đưa Quân đội Đức vào hỗ trợ cảnh sát bảo vệ nội địa. Trong thể chế dân chủ, quân đội chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tổ quốc trước các cuộc xâm lăng, không được can thiệp vào các hoạt động an ninh nội địa.“ 1 ví dụ điển hình nhất là việc quân đội bắt buộc phải can thiệp khi khủng bố dùng máy bay để làm phương tiện khủng bố, hay khủng bố tấn công vào các cơ sở nguyên tử, tấn công hóa học…., vì ở Đức quân đội có thể căn cứ các Đạo luật khẩn cấp „được hoạt động để bảo vệ các cơ sở dân sự và để chống lại các lực lượng bạo động có tổ chức và được trang bị vũ khí“ (Điều 87a khoản 4 Hiến pháp Đức).