Nguyễn Công Tiến (Halle/Saale): ĐÔI MẮT

Thứ bảy - 11/01/2020 00:34
"Bước sang thời hiện đại, học vấn là cả một vấn đề! Cao như lãnh đạo cấp chiến lược, nhưng nếu chỉ có cái “phông” học vấn thấp, khi làm việc cũng chẳng hơn gì mấy anh du kích năm xưa, trong “Đôi mắt” của Nam Cao."
Bút tích của ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Hình minh họa: NLDOL
Bút tích của ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Hình minh họa: NLDOL

ĐÔI MẮT

Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, thông qua lăng kính tiểu tư sản của nhân vật Hoàng, ông sơ tả lớp người cần lao nhiệt tình theo đảng đi làm cách mạng, nhưng trình độ học vấn quá thấp - không biết chữ. Anh du kích kiểm tra giấy tờ người bị tinh nghi, nhưng cứ loay hoay ngược xuôi mãi với tờ chứng chỉ vì không biết đọc. Nhiều người mới tham gia bình dân học vụ, nghĩa là mới chỉ biết đánh vần thì cứ nhất quyết rằng, đàn bà phải là “Thị” không có “Thị” không phải đàn bà - giấy tờ giả! Ấy là vào khoảng những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và anh dũng của dân tộc - cách đây những 70 năm lận.

Tôi nhập ngũ vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đơn vị đóng quân ở Xích Thổ, Gia Viễn, Ninh Bình. Tiểu đoàn tôi có một người y trang anh du kích nọ, đó là ông cán bộ tiểu đoàn. Ông đi bộ đội từ thời đánh Điện Biên Phủ. Khi tôi được biên chế về đại đội 1, tiểu đoàn 31 Quân khu Hữu ngạn thì ông đã lên đường đi chiến đấu với cấp bậc đại uý - tiểu đoàn phó. Người ta kể, ông xuống các đại đội để quán triệt tình hình nhiệm vụ, thuyết giảng vòng vo “Tam quốc” mãi, đến khi mọi người vỗ tay rào rào mà vẫn chưa rõ ông nói ngô khoai gì. Ông tên là Một. Anh Vững tiểu đội trưởng của tôi bảo: Ông không biết chữ, tự đặt tên như vậy để khi cần, ông chỉ gạch một phát rồi cộp con dấu đỏ choét lên trên.

Đấy là chức “quèn”, còn chức “khủng” cỡ như phó chủ tịch liên tỉnh cũng chẳng hơn gì!

Nhà văn Tô Hoài kể lại như sau: “...Tên ông là Chống Lầu, cũng điển hình tên con người ở tầng lớp trên. Ông không biết chữ, lại ở khu du kích hẻo lánh thế này, ông biết đâu tôi mượn tên ông (trong truyện “Vợ chồng A Phủ”, lúc đầu nhà văn TH lấy tên Chống Lầu đặt tên cho viên thống lý địa phương) . Năm 1954 miền Bắc giải phóng, ông Chống lầu được cử ra làm phó chủ tịch khu tự trị Tây Bắc, cơ quan ở thủ phủ Sơn La...”( Trích trong “Văn nghệ quân đội” số 791, ra tháng 2.2014). Đã lãnh đạo tới cấp tỉnh - hàng triệu dân, nghĩa là đã được đứng vào hàng ngũ “tinh hoa”, vậy mà không biết chữ! Không biết chữ mà cứ đẩy người ta ra làm tới chức phó chủ tịch khu tự trị, không hiểu sẽ tiếp thu nghị quyết trung ương ra sao? Nắm bắt luật pháp thế nào? Lãnh đạo nhân dân kiểu gì?

Cho đến thời gian cách đây chừng dăm năm, một số người thích đọc cuốn “Quân khu Nam Đồng”. Cuốn sách đã được tô hồng, thêm mầu mè và cắt xén sự thực, để hướng người đọc tư duy phiến diện theo cái mặt hào nhoáng của tấm huy chương. Tác giả của QKNĐ là ông Bình Ca. Ông này cũng đã lên tới chức phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình – cũng cai quản hàng triệu dân. Vào thời hiện đại này, lên đến chức này thì ông đã phải đọc, viết, kí rất nhiều tài liệu văn bản... nhưng đến đoạn chữ “hoa” thì ông cũng bó tay. Ông không hiểu được chữ nào thì phải viết hoa và chữ nào thì không. Phóng viên đến phỏng vấn để viết bài đăng báo, ông trả lời rất thật thà: “...Thú thật, trước khi cầm bút, tôi không nhớ một tẹo gì kiến thức ngữ pháp mình học ngày xưa. Điều đơn giản nhất là khi nào viết hoa tôi cũng không biết...” (Trích trong VNEXPRESS- mục giải trí/làng văn, ngày 23.4.2015). “Ngày xưa” nghĩa là cái ngày ông bận đi nhẩy tàu điện, có chữ nào trong bụng đâu mà nhớ! Thế mà thời gian lăn đi lăn lại, rồi ông cũng lên được tới chức quan đầu tỉnh. Công bằng mà nói, ông này có trình độ học vấn vẫn hơn ông Chống Lầu.

Gần đây nhất, tôi đã chụp lại được bút tích của ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Ông cũng lại thuộc giới lãnh đạo chiến lược “tinh hoa” của cả nước Việt Nam - ngót trăm triệu dân. Ông thay mặt cơ quan chính phủ, đến để chia buồn với gia đình cố thứ trưởng bộ giáo dục - đào tạo Lê Hải An (người ta phát hiện ông An bỗng nhiên nằm chết trong sân cơ quan bộ)...Chúng ta hãy tưởng tượng, khi phải viết một chuỗi dài các văn bản, nếu như ông Phó chủ tịch tỉnh Ninh Bình không biết chữ nào phải viết hoa, thì ông chủ nhiệm văn phòng Chính phủ lại viết hoa thoải mái bất cứ chữ nào mà ông thích. Thế mới vui!

Bước sang thời hiện đại, học vấn là cả một vấn đề! Cao như lãnh đạo cấp chiến lược, nhưng nếu chỉ có cái “phông” học vấn thấp, khi làm việc cũng chẳng hơn gì mấy anh du kích năm xưa, trong “Đôi mắt” của Nam Cao.

Mặc dù con đường học hành của những cán bộ lãnh đạo sau này, gấp cả trăm ngàn lần cán bộ thời kháng chiến, nhưng “thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu” đã đặt ra yêu cầu mỗi thời một khác và đòi hỏi trình độ học vấn của giới “ tinh hoa” ngày càng phải cao để đáp ứng nhu cầu xây dựng đất nước VIỆT NAM, nếu muốn HOÁ RỒNG.


Nguyễn Công Tiến

Halle/S. 12.12.2019





 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Hà An

    Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV và chủ biên hay sao mà ông Bình Ca ra được sách? Tự viết, tự in, tự bán, tự... tặng?

      Hà An   14/01/2021 21:01

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cảm nhận mới nhất
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây