Chỉ còn gần tháng nữa nước Đức bước vào cuộc bầu cử Nghị viện Liên bang và có lẽ đây cũng là cuộc bầu cử cuối cùng ở Châu Âu trong năm nay. Lẽ ra cuộc vận động tranh cử phải sôi động lắm vì năm 2017 quả là một năm sôi động của thế giới và nội tình nước Đức. Ấy thế nhưng có vẻ mọi thứ ở đây vẫn yên ắng, bình lặng đến khó hiểu khiến có người đã phải nói tranh cử và bầu cử ở Đức quá tẻ nhạt, ít nhất là so với Mỹ hoặc ngay cả với Pháp vừa qua ?! Có phải do tính cách Đức hay do người dân Đức không mấy hào hứng vì dường như kết quả thế nào không ai nói ra nhưng ai cũng biết nó như thế nào?
Thế cuộc đổi thay và lòng người phân tán
So với kỳ bầu cử trước cách đây bốn năm, lần này có nhiều điểm mới đáng chú ý, đó là :
Thứ nhất, về cơ bản thế giới và châu Âu bốn năm trước vẫn còn tương đối thuần với xu thế hòa bình, ổn định và toàn cầu hóa vẫn là dòng chảy chủ đạo. Dù có những bất đồng nọ kia về tài chính nhưng cơ bản EU vẫn chứng tỏ là một liên minh khá bền vững và ổn định với Troika Đức-Anh-Pháp. Nhưng năm nay tình hình đã thay đổi một cách căn bản và tạo nhiều thách thức đối với Đức. Đầu tiên là việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thắng cử và lật ngược lại nhiều vấn đề cứ tưởng đã là nguyên tắc ứng xử trong quan hệ đồng minh, quan hệ quốc tế và hợp với xu thế. Đó là xu hướng bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa, xem xét lại nghĩa vụ trong Liên minh quân sự Bắc Đại tây dương NATO hay xem xét cả khái niệm bạn/thù. Nước Đức chính vì thế mà cũng hoang mang và cảm thấy bất an, khó lường vì Mỹ là đối tác quan trọng bậc nhất cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng đối với Đức. Kế đó là quyết định rời khỏi EU của người dân Anh (Brexit) như cú giáng khá đau đối với Liên minh này khiến cho EU phải nghiêm túc xem xét lại phương thức hoạt động của mình để các nước thành viên khác, nhất là những nước vốn cũng đang lung lay không theo gương Anh mà tạo nên làn sóng exit gây tan vỡ tổ chức này. Làn sóng thiên hữu, mị dân từ Đức, Pháp, Hà Lan năm ngoái làm mưa làm gió ở châu Âu khiến giới tinh hoa chính trị châu Âu Establishment lo ngay ngáy. Rất may làn sóng này chỉ như đợt sóng dữ dâng lên rồi cũng lại chìm xuống với kết quả bỏ phiếu ở Hà Lan và đặc biệt ở Pháp.
Thứ hai, sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Trung Đông được cho là nguyên nhân dẫn đến làn sóng di cư khổng lồ chưa từng có từ các nước trong khu vực này và Châu Phi sang Châu Âu, tạo nên khủng hoảng tỵ nạn tồi tệ nhất trong lịch sử ở Châu Âu và nước Đức thời hậu chiến. Khủng hoảng này cũng dẫn đến những khủng hoảng khác trong nội bộ EU, đó là việc tranh cãi về phân bổ cô-ta người tỵ nạn cho các nước thành viên dẫn đến việc các thành viên EU tây và bắc Âu mâu thuẫn với các thành viên đông Âu. Hiệp định về tự do đi lại (Hiệp định Schengen) cũng có nguy cơ đổ vỡ do ngày càng nhiều nước muốn tái thiết lập kiểm soát biên giới hoặc thậm chí đóng cửa biên giới, xây dựng tường, rào ngăn chặn dòng người di cư. Đối với Chính phủ Đức thì đây đúng là cơn ác mộng vì với số lượng trên dưới một triệu người tỵ nạn riêng năm 2015/16 thì dù có thiện chí và giầu có đến mấy như nước Đức cũng sẽ bị quá tải. Điều này còn khiến Liên minh giữa các đảng chính trị cầm quyền mâu thuẫn với nhau, có lúc còn định ly thân. Xã hội thì bị phân hóa nghiêm trọng, ban đầu là không khí welcome culture sau chuyển sang nghi kỵ và muốnAbschiebung (trục xuất) càng nhiều càng tốt. Tội phạm liên quan đến người nước ngoài, đặc biệt là người tỵ nạn tăng chóng mặt khiến nhiều thành phố ở Đức cũng trở thành bất an. Tâm lý bất an và cảm thấy không được sự bảo vệ cần thiết đã làm xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Thứ ba, chưa bao giờ mà làn sóng khủng bố quốc tế lại tràn đến sát nhà dân, đe dọa và ám ảnh cuộc sống của người dân Châu Âu và người dân Đức như thời gian gần đây. Các cuộc đánh bom tự sát không còn là khái niệm trừu tượng và ở mãi tận vùng Trung Cận đông hay Tây Á, Châu Phi xa xôi nữa, mà nó đến ngay trung tâm Châu Âu. Rồi một hình thức khủng bố mới bằng xe tải, xe bán tải, bằng đâm dao, bổ rìu như thời Trung Cổ xẩy ra ở ngay khu vực chợ Giáng sinh giữa trung tâm sầm uất của Berlin hay ở những thành phố khác trên khắp nước Đức. Điều này khiến cho bầu không khí lo lắng bao trùm xã hội và mọi người dân đều cảm thấy bất an die Angst sitzt tief. Các nhà chính trị khẳng định Hồi giáo không liên quan đến khủng bố, nhưng đáng buồn là trong tuyệt đại đa số các vụ khủng bố vừa qua đều liên quan đến các phần tử hồi giáo cực đoan của cái gọi là Nhà nước hồi giáo tự xưng IS. Các chính phủ cố gắng giải thích là khủng bố IS không liên quan đến người tỵ nạn, nhưng thực tế khá nhiều phần tử khủng bố tự sát lại trà trộn trong dòng người tỵ nạn, thậm chí còn được công nhận quy chế tỵ nạn ở Đức. Chính điều này cũng khiến dư luận xã hội Đức quay sang chống lại chính sách tỵ nạn của Chính phủ và người tỵ nạn là những người phải lĩnh hậu quả nặng nề nhất từ thái độ nghi kỵ của người dân và chính quyền nơi đây. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây chính Thủ tướng Merkel cũng phải cay đắng thừa nhận, nếu được quyết định lại tôi cũng sẽ phải cân nhắc. Năm ngoái, chính sách tỵ nạn của Chính phủ Đức bị coi là nguyên nhân dẫn đến chia rẽ trong nội bộ EU và của tình trạng tội phạm không kiểm soát được trong nước. Điều này cũng gián tiếp tác động tiêu cực đến uy tín cá nhân bà Merkel.
Ở trong nước „chính sự phiền hà“
Tôi muốn dùng chữ trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi để nói về chính sự ở Đức trong gần hai năm qua, qua đó thấy rõ hơn những cơ hội và thách thức mà các đảng phái chính trị đang phải đối mặt hiện nay.
Thủ tướng Angela Merkel cầm quyền đến nay đã sắp hết 3 nhiệm kỳ với tổng cộng 12 năm. Sau 12 năm đó nước Đức hiện nay thuộc vào nhóm những nước công nghiệp cao liên tục tăng trưởng dương và khá cao (trên dưới 2%). Điều này không phải là chuyện đương nhiên, nếu nhìn những nước công nghiệp phát triển khác trong G7 với biểu đồ phát triển đi xuống, thiểu phát, thất nghiệp cao. Đức cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất và năm 2016 là quán quân thế giới về xuất khẩu và thặng dư thương mại không chỉ với các nước nhỏ, mà với những bạn hàng lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, xuất khẩu tăng vọt, ngân sách đầy tiền (năm ngoái vượt mức gần 30 tỷ euro), tỷ lệ người lao động có việc làm (và qua đó thu nhập) cao, lạm phát thấp và giá cả ổn định là những yếu tố tạo nên sự thịnh vượng của xã hội khiến chỉ số tiêu dùng tăng, kích thích sản xuất hàng tiêu dùng. Đối với một Chính phủ thì những điều trên là tiêu chuẩn để được cử tri đánh giá tốt. Ở Đức cũng không là loại lệ. Nhưng trớ trêu thay, những điều trên lại cũng là lý do để Mỹ và ngay cả những tổ chức quốc tế như IMF hay WB và thậm chí cả một số nước EU khác công kích chính sách của Đức.Tổng thống Trump thì lấy cớ xuất siêu của Đức sang Mỹ cao để gọi Đức là xấu, rất xấu. IMF, WB và các nước EU khủng hoảng nợ công như Hy Lạp, Tây Ban nha hay cả Italia thì yêu cầu Đức phải tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng ở cả các nước thành viên khác hay chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng mà Đức muốn áp đặt lên họ.
Quan hệ của Đức với các nước vốn có quan hệ truyền thống tốt đẹp cũng sắp chạm đáy. Từ trước đến nay vốn rất coi trọng quan hệ hợp tác với Nga và coi đó là điều sống còn đối với ổn định ở châu Âu, nhưng Chính phủ Đức cũng phải lụy theo đồng minh Mỹ và NATO để kéo dài cấm vận Nga sau vụ Crime, điều mà chính giới kinh tế Đức không hoàn toàn đồng tình. Mới đây Bộ trưởng Nội vụ Đức còn nói cũng không loại trừ khả năng can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tới ở Đức như đã từng xẩy ra với Mỹ, điều chưa bao giờ xẩy ra ở nước này. Thổ Nhĩ kỳ với vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng với an ninh quốc phòng, là thành viên NATO, ký với EU Thỏa thuận về tỵ nạn, đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Đức, ở Đức lại có đến hơn ba triệu người gốc Thổ. Tuy vậy thì không ai có thể nói quan hệ Đức-Thổ sẽ tiếp tục đi về đâu khi Tổng thống Erdogan liên tục công kích Chính phủ Đức và cá nhân Thủ tướng Merkel, coi những biện pháp mà Đức áp đặt với Thổ như là thời quốc xã.Hàng chục công dân Đức bị bắt giam ở Thổ, Thổ cũng không cho nghị sĩ Đức thăm quân đội Đức đang đồn trú ở Thổ, Đức cho nhiều người mà phía Thổ nghi tham gia vụ đảo chính bất thành năm ngoái được tỵ nạn v.v. Mới đây nhất Tổng thống Thổ còn can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Đức khi kêu gọi những cử tri gốc Thổ không bỏ phiếu cho cả hai đảng lớn là CDU và SPD vì hai đảng này có thái độ thù địch với Thổ. Ngoại trưởng Đức thì lên báo nói rằng những phần tử thân Thổ ở Đức còn gọi điện thoại đe dọa vợ ông. Tạm yên với làn sóng cực hữu ở Tây Âu sau bầu cử ở Pháp và Hà Lan hồi đầu và giữa năm, Đức lại vướng với Ba Lan, nước láng giềng phía đông và có quan hệ khá nhậy cảm với Đức. Ba Lan tiến hành cải tổ Hiến pháp theo hướng mà EU và đặc biệt là Đức cho là đi ngược lại nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Đáp lại Ba Lan nói Đức hãy nhìn vào mình trước khi nói người khác và Hiến pháp của họ vẫn được cải cách theo hướng mà họ lựa chọn khiến Đức không khỏi bẽ bàng.
Ở trong nước thì cũng chẳng bình yên hơn bao nhiêu. Ngay trong đỉnh điểm của khủng hoảng tỵ nạn, nội bộ Liên minh lủng củng và mâu thuẫn chưa từng có. Chủ tịch Đảng CSU „chị em“ với CDU của bà Merkel công kích liên tục Chủ tịch Đảng Merkel vì câu chuyện „giới hạn trần“, đe dọa đưa ra Tòa án Hiến pháp, thậm chí rút khỏi Liên minh. Rồi „đại liên minh“ CDU/CSU và SPD trong Chính phủ Liên bang cũng tranh luận tối ngày và dường như đổ lỗi cho nhau về xử lý khủng hoảng khiến lòng dân ly tán v.v. Trong khi làn sóng thiên và cực hữu của Đảng „Giải pháp cho nước Đức“ AfD ào ào như làn sóng mới ở nhiều bang phía đông (có nơi đạt đến trên 20% số phiều bầu nghị viện bang) thì Đảng dân chủ xã hội SPD liên tục thất cử ở cấp bang, trong đó ở cả những bang được coi là hochburg của đảng này. Về kinh tế thì sau bê bối khí thải của Volkswagen ở Mỹ và nhiều nơi khác nữa thì sát đến ngày bầu cử lại phát hiện ra bê bối lớn hơn trong ngành chế tạo xe hơi, một ngành trọng yếu và có uy tín nhất của công nghiệp Đức. Hóa ra không chỉ có VW mà nhiều hãng xe hơi khác cũng dính bê bối tương tự và nghiêm trọng hơn, các hãng xe hơi lớn của Đức có vẻ như đi đêm với nhau, vi phạm nghiêm trọng Luật cạnh tranh. Rồi nghi án móc nối giữa doanh nghiệp và chính phủ bang Niedersachsen để làm giảm nhẹ tính chất vụ khí thải. Nghi án này tưởng chừng có thể là quả bom nổ chậm trong mùa tranh cử, nhưng hóa ra nó lại chìm xuồng vì liên quan đến cả hai đảng lớn CDU và SPD đã thay nhau cầm quyền ở bang này suốt thời gian qua.
Khác so với Mỹ, tranh cử ở Đức tối kỵ việc bới móc chuyện cá nhân hay bôi nhọ đối thủ. Nhưng lần này có câu chuyện đáng chú ý. Mấy tuần trước dư luận dậy sóng trước thông tin cựu Tổng thống Đức Christian Wulff thuộc đảng CDU làm thuê ăn lương cho một hãng thời trang của Thổ Nhĩ kỳ. Các nghị sĩ đảng SPD bầy tỏ bức xúc, phê phán mạnh mẽ việc này vì cho nó không xứng đáng với cương vị cựu nguyên thủ của ông Wulff và nhất là lại làm cho công ty của một nước vốn đang căng thẳng trong quan hệ với Đức. Đáp lại CDU bênh vực ông Wulff và bản thân ông cũng nói ông là luật sư và làm cố vấn pháp luật cho công ty này thì có gì sai. Gần đây nhất, không chỉ dư luận hay đảng CDU mà chính bà Merkel lại tỏ ra bất bình việc cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder của đảng SPD nhận tham gia ban lãnh đạo một công ty của Nga. Bà Merkel còn nói việc làm này của ông Schröder là rất không nên và ảnh hưởng đến Đức vì Nga đang bị EU cấm vận; bản thân bà khi về hưu sẽ không làm như bậc tiền nhiệm. Đáp lại đảng SPD và ông Schröder nói việc này chả ảnh hưởng gì đến ai vì ai cũng biết từ lâu ông Schröder đã coi Tổng thống Nga Putin là bạn và đã từng làm cho Tập đoàn dầu khí Nga; điều này không ảnh hưởng gì đến đảng. Cuối cùng hóa ra không công kích trực tiếp đối thủ thì chuyển sang công kích cựu quan chức của đảng kia. Đó cũng là nét mới của mùa tranh cử lần này.
Một điểm mới nữa của lần này so với bốn năm trước, đó là sự tham gia của lực lượng thiên hữu và cực hữu mà đại diện là Đảng AfD. AfD mới thành lập được khoảng ba năm nay, nhưng nó chỉ có đất sống khi khủng hoảng tỵ nạn năm 2015/16 khiến tâm lý bài xích người nước ngoài nói chung và người tỵ nạn nói riêng nở rộ ở các bang đông Đức. Ban đầu mọi đảng phái thuộc Establisment muốn phới lờ xu hướng chính trị này, nhưng nay họ phải thừa nhận một thực tế là lực lượng thiên và cựu hữu nhiều khả năng sẽ có mặt trong Nghị viện Liên bang nhiệm kỳ tới.
Kết quả thế nào xem hồi sau sẽ rõ
Thực ra phải nói chính xác, kết quả bầu cử thế nào thì sớm nhất phải là lúc đóng thùng phiếu vào 18 giờ ngày 24/9 tới hay muộn nhất đêm hôm đó Wahlnacht mới biết chính xác được. Và sẽ vẫn như các cuộc bầu ở đây, tại chỗ này tưng bừng ăn mừng chiến thắng và chỗ khác những khuôn mặt đăm chiêu. Rồi sau đó là những nhận định, phân tích, đánh giá, đổ lỗi cho nhau và thế nào cũng có người phải ra đi.
Tuy vậy thì nhiều dự đoán cũng được đưa ra và nhiều phương án lập chính phủ Koalition cũng được bàn tới. Người Đức cũng vốn thích hình tượng nên các giải pháp Jamaica (đen, vàng, xanh), Ampel (Đỏ, vàng, xanh), thậm chí tiếp tục Đại liên minh (đen, đỏ) hay cả đỏ/đỏ/xanh. Chỉ có AfD dù có chân trong Nghị viện nhưng không đảng nào muốn liên minh nên cũng sẽ chỉ ngồi ghế đối lập.
Vậy nên muốn biết kết quả chính thức thế nào hãy đợi đến sau ngày 24 tháng 9 tới.
Nguyễn Hữu Tráng
------------
Chỉ được đăng lại bài khi có sự đồng ý của tác giả hoặc báo NguoiViet.de!
Ý kiến bạn đọc
Ngày 24.07.2022, tại thủ đô Berlin (CHLB Đức) đã diễn ra buổi giới thiệu ba cuốn...
Cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Phu Nhân 2022 tổ chức tại Internationales Congress...
Chiều 11.08.2018 hơn 300 anh chị em, bạn bè, thân hữu từ khắp nơi trên nước Đức...
Bài viết của anh Sa Huỳnh nói sơ bộ lên đc nhiều điều thiết thực.
Về phần LH hay 1 tổ chức đại...
Cảm ơn anh Sa Huỳnh.Cảm ơn Báo NguoiViet.de. Đây là dạng bài viết mang Nội dung và Quan điểm tiến...
Bài viết đúng Không gian thời gian khá llý thú vị , con mèo của thời trai gái rập rình mèo chuột ,...
Bài viết của nhà văn Sa Huỳnh cho tôi hiểu thêm về ý nghĩa từ " mèo " trong dân gian ta .Xin cảm...
Cám ơn nguoiviet.de và tác giả Sa Huỳnh.
Theo cá nhân tôi, quan trọng nhất là minh bạch và...
Bắt là đúng, những thằng chỉ điểm này cùng gia đình của nó phải trục xuất vĩnh viễn ra khỏi châu Âu...
mình đang muốn chụp ảnh cưới như thế này . cho mình xin thông tin ekip chụp ảnh ạ
mình xin cảm...
Gương người tốt việc tốt. Nhiều người họ có lòng tốt không có lòng Tham - Sân - Si và nhiều đệ tử đã...
Cơ bản thông tin cho người đọc hiểu về nội dung
Còn lỗi sai sót quá trình dịch là chuyện...
Chẳng lẽ ông BT họ Mai không có chuyên viên VP và chẳng le các NXB ỏe VN xuất bản sách không có BTV...